Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, giải pháp xác thực di động Mobile PKI với thẻ SIM tích hợp chữ ký số là giải pháp công nghệ đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới và có mức độ an toàn cao (Ảnh minh họa: Internet) |
Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/3/2019. Theo Đề án, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất để công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.
Đề án cũng nêu rõ mục tiêu cung cấp nền tảng xác thực điện tử dùng chung để cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng nhập một lần (SSO) khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tại các Hệ thống thông tin một cửa, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Nền tảng xác thực này phải đạt mức độ đảm bảo cao theo tiêu chuẩn quốc tế (mức độ 3, 4) và có thể được áp dụng cho các hệ thống khác như Hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống thông tin tham vấn chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống báo cáo quốc gia…
Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Lợi, đại diện Cục Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng Chính phủ (VPCP) - đơn vị được giao chủ trì triển khai xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, dự kiến trong tháng 11/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ được chính thức khai trương, đưa vào vận hành. Cổng này phải đảm bảo việc người dân/doanh nghiệp chỉ đăng nhập 1 lần; các giải pháp xác thực được lựa chọn triển khai là xác thực qua chứng thư số, SIM PKI; Soft Token kết hợp sinh trắc học; và eID. “Trong đó, chúng tôi đề xuất ưu tiên triển khai giải pháp xác thực định danh di động – Mobile PKI với thẻ SIM tích hợp chữ ký số”, ông Lợi cho biết.
Ông Lợi cũng cho biết, theo Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống xác thực điện tử trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia sẽ phải đảm bảo việc xác thực cho 500.000 người dùng năm 2019; 1 triệu người vào năm 2020; và đáp ứng tối thiểu 8 triệu người dùng vào năm 2023.
Chia sẻ rõ hơn về lý do Văn phòng Chính phủ đề xuất ưu tiên lựa chọn giải pháp xác thực di động Mobile PKI - giải pháp thẻ SIM tích hợp chữ ký số để triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, giải pháp công nghệ này đã được sử dụng rộng rãi, được triển khai tại nhiều nước; bảo đảm giá trị pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; mức độ an toàn cao; xác thực tài liệu và giao dịch, đảm bảo giá trị pháp lý, phù hợp với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, việc VPCP chọn ưu tiên triển khai giải pháp công nghệ Mobile PKI – một giải pháp xác thực được đánh giá là có mức độ an toàn, bảo mật cao nhất hiện nay để áp dụng cho Cổng Dịch vụ công quốc gia là vì đây sẽ là Cổng duy nhất mà người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể thực hiện tất cả các TTHC do các bộ, ngành, địa phương cung cấp, cần thiết phải triển khai giải pháp xác thực có mức độ bảo mật cao.
Bên cạnh đó, còn có các lý do khác để VPCP đề xuất lựa chọn ưu tiên triển khai giải pháp xác thực di động trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đó là: xu hướng di động, hiện nhiều người dù ở đâu đều mang theo người 1 loại thiết bị di động; số lượng thuê bao di động của Việt Nam lớn, khoảng 120 triệu thuê bao trên tổng số hơn 95 triệu dân; không yêu cầu phải có thiết bị di động thông minh; chi phí nâng cấp SIM thấp; Việt Nam chưa có hạ tầng về Thẻ căn cước điện tử và cũng chưa có lộ trình xây dựng giải pháp này.
Ngoài ra, Ban Cơ yếu Chính phủ, một số nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đã sẵn sàng về giải pháp kỹ thuật định danh, xác thực di động Mobile PKI.
Tuy nhiên, đại diện VPCP cũng chỉ rõ những thách thức trong việc triển khai giải pháp công nghệ định danh di động để xác thực người dùng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó có thể kể đến như: chi phí cấp, chi phí duy trì chữ ký số còn tương đối cao, hiện nay là 1 triệu đồng/doanh nghiệp/năm và 500.000 đồng/người/năm; thường xuyên phải gia hạn; yêu cầu phải đổi SIM hoặc số điện thoại di động; các nhà mạng chưa sẵn sàng cung cấp thẻ SIM mật mã trên diện rộng…
Để triển khai hệ thống xác thực điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đại diện VPCP cho biết, thời gian tới, VPCP sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Viettel, MobiFone…; nhà cung cấp dịch vụ chứng thư số công công (CA công cộng) để đảm bảo hạ tầng chứng thực công cộng, thẻ SIM tích hợp khóa bí mật phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến nói chung và Cổng Dịch vụ công quốc gia.
VPCP đề xuất thời điểm các bộ, ngành, địa phương sẽ phải hiệu chỉnh Hệ thống để có thể sử dụng Hệ thống xác thực của Cổng Dịch vụ công quốc gia là trong quý II/2020. “Tiến tới hạn chế đầu tư các hệ thống xác thực tại các bộ, ngành, địa phương; sử dụng một nền tảng xác thực duy nhất do Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp”, đại diện VPCP cho hay.
Riêng với các nhà mạng, VPCP đề xuất các nhà mạng cung cấp thẻ SIM có khả năng lưu khóa bí mật với chi phí thấp hoặc miễn phí cho cá nhân, tổ chức để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; các nhà mạng là nhà cung cấp CA (Viettel, VNPT) và các nhà cung cấp CA nghiên cứu, triển khai giải pháp khuyến khích người dùng cả nhân. Đồng thời, các nhà mạng cũng được đề nghị phối hợp với VPCP kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu thuê bao di động với Hệ thống định danh điện tử của Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm đảm bảo tính xác thực của định danh di động.