Đề xuất ứng dụng công nghệ e-learning để đào tạo ngắn hạn về ATTT

Hôm nay, ngày 22/2/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban điều hành “Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) đến năm 2020” (còn gọi là Đề án 99) đã chủ trì cuộc họp Ban điều hành Đề án. Đây là cuộc họp đầu tiên trong năm nay của Ban điều hành Đề án 99.

Đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/1/2014 theo Quyết định 99/QĐ-TTg. Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2020 sẽ tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATANTT cho 10.000 lượt cán bộ làm về ATANTT và CNTT tại các cơ quan nhà nước.

Tại cuộc họp Ban điều hành Đề án 99, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT thuộc Bộ TT&TT cho biết,  sau hơn 2 năm triển khai, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATANTT đã được quan tâm nhiều hơn, thu được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, riêng với nhiệm vụ đào tạo ngắn hạn về ATANTT trong nước của Đề án 99, tính đến hết năm 2016, từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ và nguồn lực xã hội hóa, đã tổ chức tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATANTT cho khoảng 2.600 lượt cán bộ làm về ATANTT và CNTT tại các cơ quan, tổ chức nhà nước; hướng dẫn cho các đơn vị tự triển khai đào tạo được 900 lượt cán bộ làm về ATANTT và CNTT tại cơ quan, tổ chức mình; đạt 35% mục tiêu đặt ra đến năm 2020.

Cụ thể, trong năm 2016, Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức 23 khóa đào tạo ngắn hạn tập trung tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng từ nguồn ngân sách nhà nước cho 660 lượt cán bộ của hơn 80 cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Trong 23 khóa đào tạo nêu trên, có 14 khóa được đào tạo theo chương trình trong nước, 9 khóa đào tạo theo chương trình quốc tế.

Trong khuôn khổ điều phối triển khai Đề án 99, Cục ATTT đã phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương (Công an Hà Nội và Sở TT&TT các tỉnh Thanh Hóa, Hưng Yên, Yên Bái, Đắk Lắk, Hòa Bình, Kiên Giang, Vĩnh Long, Thừa Thiên - Huế …) tổ chức hội thảo, đào tạo, tập huấn, diễn tập an toàn thông tin tại chỗ cho khoảng 400 lượt cán bộ của các bộ, ngành, địa phương nêu trên. Đồng thời, Cục đã phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch, xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo ngắn hạn về ATTT. Kết quả các cơ quan, đơn vị đã tự triển khai đào tạo tại chỗ về ATTT cho hơn 900 lượt cán bộ.

Bên cạnh đó, huy động từ các nguồn lực hợp tác quốc tế, Cục ATTT đã phối hợp với HIDA (Nhật Bản) tổ chức khoá học ATTT trong các hệ thống thông tin quan trọng tại Việt Nam. Khoá học quy tụ hơn 30 học viên từ các bộ, ngành và tập đoàn có các hệ thống thông tin quan trọng của Việt Nam như điện lực, hàng không, hoá chất, viễn thông và nhiều đơn vị khác.

Cũng theo ông Dũng, Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cùng đối tác phía Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về ATTT cho khoảng 40 lượt cán bộ của các cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp trong khuôn khổ Ngày ATTT Việt Nam 2016.

Trong khuôn khổ dự án đào tạo cho lực lượng cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ trì, tổ chức đào tạo ngắn hạn cơ bản và chuyên sâu về ATTT cho 445 cán bộ cơ yếu đang làm việc trong các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước trên toàn quốc.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Cục ATTT cũng cho biết, để đạt được mục tiêu Đề án 99 đặt ra đến năm 2020 là đào tạo ngắn hạn trong nước 10.000 lượt cán bộ làm về ATTT trong bối cảnh ngân sách trung ương khó khăn như hiện nay, rất cần có giải pháp huy động thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương, nguồn lực xã hội hóa từ phía doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Đề xuất ứng dụng công nghệ e-learning để đào tạo ngắn hạn về ATTT

Trao đổi tại cuộc họp, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT), Chủ tịch Hội đồng chuyên gia thuộc Đề án 99 nhận định, cái được nhất của Đề án này là đã huy động được sự tham gia của tất cả các cơ sở đào tạo. 

Ông Ngọc cũng  đề xuất, Ban Điều hành Đề án 99 nên áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến e-learning trong việc triển khai nhiệm vụ đào tạo phổ cập rộng rãi và tập huấn, đào tạo ngắn hạn về ATANTT; tập trung xây dựng các bộ bài giảng e-learning với sự tham gia đóng góp bài của các cơ sở đào tạo.

“Nếu chỉ đào tạo tập trung thì sẽ rất khó có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 đào tạo được cho 10.000 người. Hiện nay công nghệ e-learning phát triển, rất tiện lợi, giúp tiết kiện kinh phí và thời gian”, ông Ngọc nói.

Đồng quan điểm với ông Ngọc, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên gia thuộc Đề án 99 cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 10.000 nhân lực được đào tạo, tập huấn ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATANTT, Ban Điều hành Đề án nên tập trung vào hình thức đào tạo e-learning.

Theo ông Tuấn Anh, từ kinh nghiệm triển khai thử nghiệm ứng dụng e-learning vào đào tạo an ninh mạng trong hơn 1 năm qua, Bkav nhận thấy hiện nay các công nghệ về đào tạo đã hỗ trợ rất nhiều.

“Thậm chí, trong giai đoạn trước có thể những chương trình đơn giản mới đào tạo e-learning, nhưng hiện nay ngay như Bkav cũng đã có triển khai e-learning cho các khóa đào tạo về bảo mật. Toàn bộ các thiết bị fireware, IBS, IDS hay thực hành tấn công, chúng ta đều đã có thể đưa lên ảo hóa (cloud). Sinh viên có thể tham gia học trực tuyến, tương tự như học trực tiếp tại các phòng lab. Đặc biệt, với những hệ thống ảo này, thời gian setup, thời gian giữa các tiết học khác nhau sẽ rất nhanh, chỉ mất khoảng 5 phút chuẩn bị. Ví dụ như, khi cần triển khai một lớp học, chỉ cần 5 phút đã có thể setup một bài lap; sau khi lớp đó học song, chỉ cần bấm reset là hệ thống quay về trang thái ban đầu và các lớp khác có thể học được ngay”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định, câu chuyện ứng dụng công nghệ e-learning vào đào tạo, tập huấn ngắn hạn rất đáng quan tâm, xem xét. Theo Thứ trưởng, có thể khởi động triển khai thử hình thức đào tạo trực tuyến e-learning với một vài lớp, nếu phù hợp có thể nghiên cứu để triển khai mở rộng.

“Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATANTT đến năm 2020” hướng tới mục tiêu nhanh chóng đào tạo đội ngũ chuyên gia ATANTT đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về bảo đảm ATANTT trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước; xây dựng được một số cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT có chất lượng tương đương các nước trong khu vực với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đạt trình độ quốc tế, chương trình, nội dung đào tạo tiên tiến, hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu; thu hút được đội ngũ chuyên gia giỏi về ATANTT làm việc cho các cơ quan trọng yếu của nhà nước; thu hút được đội ngũ học sinh, sinh viên giỏi theo học ngành CNTT và chuyên ngành ATANTT; đồng thời nâng cao năng lực quốc gia về bảo đảm ATANTT, tăng cường khả năng phòng, chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia và ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sự cố an toàn thông tin trên mạng máy tính, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền không gian mạng Việt Nam.