Chiều 12/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. 

Cần có cơ chế cho lực lượng cảnh vệ chủ động thuê lực lượng, phương tiện

Báo cáo một số vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho hay, dự thảo luật bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ. Đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường về dự thảo luật.

Bên cạnh nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật, có ý kiến đề nghị quy định thuê trong trường hợp bất khả kháng; quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, nguồn kinh phí chi trả, bồi thường thiệt hại nếu có.

LeTanToi
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: QH

Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định chi tiết về tiêu chuẩn và chế độ chi tiêu, định mức, thanh quyết toán về thuê lực lượng, phương tiện ở nước ngoài; làm rõ thuê lực lượng, phương tiện trong nước hay của nước nước ngoài và ưu tiên thuê trong nước.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công, ngân sách Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới nêu thực tiễn thực hiện công tác cảnh vệ với lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều kiện về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật.

Ông Tới cho rằng, dự thảo Luật bổ sung quy định Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội có quyền quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài là phù hợp, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ.

Kinh phí để thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài được dùng từ ngân sách Nhà nước.

Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải căn cứ vào pháp luật của nước sở tại và pháp luật của Việt Nam để thực hiện, trong đó có pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý tài sản công.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng nêu thực tiễn khi các lãnh đạo chủ chốt đi công tác tại nước ngoài thì 4 Văn phòng Trung ương (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội) chủ trì thực hiện việc thuê, thực hiện thủ tục thanh quyết toán tiền thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác cảnh vệ theo quy định của pháp luật, không phát sinh khó khăn, bất cập.

Do đó, dự thảo luật này không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của lực lượng cảnh vệ.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như quy định tại dự thảo luật đã trình ra Quốc hội tại kỳ họp 7.

Nên quy định rất ngắn gọn về quy trình thuê

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà bày tỏ rất đồng tình với quy định này.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị quy định rất ngắn gọn về quy trình thuê, sử dụng tài sản công vì việc thuê ở bên ngoài phục vụ cho nhiệm vụ chính trị diễn ra rất nhanh, không thể tổ chức triển khai theo đúng quy trình, quy định trong nước.

VuHaiHa
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà. Ảnh: QH

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng bày tỏ thống nhất việc thuê lực lượng, phương tiện, thiết bị khi dùng các biện pháp của chúng ta mà không đáp ứng được do thể chế chính trị, quy định của luật các quốc gia khác nhau.

Thực tế, thời gian qua, Văn phòng Quốc hội cũng phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Bộ Công an để đảm bảo việc thuê các thiết bị, nhất là thiết bị kỹ thuật đảm bảo cho an toàn của đoàn.

Ông Cường gợi mở, nên chăng quy định do Tư lệnh Cảnh vệ quyết định thuê và kinh phí cũng do nguồn từ bên đó đảm bảo thì chủ động hơn là để văn phòng thực hiện sẽ bị động.