Chính sách quản lý game online được để xuất điều chỉnh từ nhiều năm nay. Ảnh minh họa Internet |
Theo các quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử) là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi điện tử. Dịch vụ trò chơi điện tử được phân loại quản lý theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ và phân loại theo độ tuổi của người chơi phù hợp với nội dung và kịch bản trò chơi.
Ngay từ khi các quy định quản lý trò chơi điện tử (game online) vừa được ban hành chưa lâu đã có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách quản lý ngành game đang phân chia theo công nghệ để quản lý nội dung không còn phù hợp và nhà nước nên sớm bãi bỏ quy định cấp phép phê duyệt kịch bản nội dung game.
Bởi vì tất cả các game do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay đều thuộc diện phải xin cấp phép hoạt động (game G1). Với thể loại game cho PC hoặc webgame thì số lượng chỉ khoảng vài trăm game, nhưng với thể loại game mobile thì số lượng lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu game được đưa lên các app nên khó có thể xin cấp phép cho từng game một.
Đồng tình với các ý kiến đề nghị bãi bỏ giấy phép phê duyệt kịch bản nội dung game, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc VTC Mobile cho rằng, game cũng là một loại phần mềm trong lĩnh vực CNTT, được làm ra để đáp ứng nhu cầu giải trí của con người. Mặt khác, game cũng là một dạng phần mềm nên nó cũng thể hiện sức sáng tạo của con người không có giới hạn. Đây chính là một mấu chốt cho thấy việc quản lý bằng cấp phép sẽ khó có thể theo kịp được sự sáng tạo của game. Nhu cầu của con người là luôn luôn thay đổi và khám phá cái mới, nó làm cho các nhà sản xuất cũng như nhà phát hành cũng phải đổi mới liên tục mới giữ chân được người chơi.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Dùng phương án hậu kiểm để quản lý game là khả thi nhất”. Theo ông Bảo, trong lúc thẩm định game thì bao giờ hội đồng thẩm định cũng có 1 nguyên tắc để đánh giá. Từ trước đến nay cũng đã hình thành 1 tiêu chí để thẩm định. Nhà nước căn cứ vào đó để xây dựng bộ nguyên tắc cho các doanh nghiệp thực hiện khi sản xuất hoặc phân phối game. Về luật thì ngoài Nghị định 72 quản lý thông tin trên Internet, thì cũng có luật về văn hóa, giáo dục, dân sự, hình sự. Ví dụ: Hình ảnh mang tính chất tuyên truyền văn hóa phẩm không lành mạnh đã có luật về văn hóa quản lý, game mang tính chất cờ bạc đã có luật về tổ chức đánh bạc…
Một ý kiến khác cũng cho rằng, nhà nước nên cho áp dụng chính sách thử nghiệm với 1 -2 doanh nghiệp, cho phép bỏ thủ tục cấp phép phê duyệt kịch bản nội dung game. Sau một thời gian thử nghiệm sẽ ban hành chính sách để áp dụng chung.
Đặc biệt trong lĩnh vực game cho di động, ngay từ năm 2014 đến nay, nhiều doanh nghiệp đề xuất, cơ quan quản lý nên bỏ việc cấp phép đối với các trò chơi trên điện thoại di động (game mobile). Hàng loạt bất cập, trăn trở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh game tại Việt Nam đã được các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi trong nhiều cuộc họp với Bộ TT&TT.
Chính sách bảo hộ ngược trong ngành nội dung số đã được Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu phải sớm xóa bỏ, các cơ quan quản lý Nhà nước nên có sự cởi mở thông thoáng hơn về mặt chính sách để ủng hộ doanh nghiệp nội địa.
Do đó có nhiều ý kiến đề xuất: "Trước hết các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét và chấp nhận phương án bãi bỏ cấp phép cho từng game mobile, mà chỉ cấp phép cho doanh nghiệp phát hành loại game này. Nếu nội dung game vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc các quy định luật pháp khác thì sẽ thu hồi giấy phép của doanh nghiệp phát hành. Trên thực tế, các game mobile nước ngoài khi phát hành vào Việt Nam cũng chỉ thông qua đại lý phân phối chứ không phải xin cấp phép. Việc bãi bỏ cấp phép game mobile cũng là một cách thức hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh nội dung số, có thể phát triển được những nội dung tương tự game ngoại và cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài”.