Sở GTVT TP. HCM mới đây đã có văn bản gửi UBND TP. HCM đề xuất được triển khai đề án thí điểm "đào tạo tập trung trên nền tảng số" đối với công tác đào tạo, sát hạch lái ô tô.
Lý giải việc này, Sở GTVT TP. HCM cho rằng hiện nay hình thức dạy lý thuyết lái ô tô tồn tại một số điểm bất cập, mâu thuẫn giữa Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và Luật Giao thông đường bộ 2008.
Đơn cử, trường hợp cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình dạy lái xe ô tô (hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F), Luật Giao thông đường bộ bắt buộc phải học tập trung. Trong khi đó, tại Luật Giáo dục nghề nghiệp lại cho phép được học theo hình thức học từ xa hoặc tự học.
Trước sự bất cập nói trên, một công ty có cơ sở đào tạo lái xe xin phép triển khai đề án thí điểm "đào tạo tập trung trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái ô tô hạng B (B1, B2), C".
Đề án mong muốn áp dụng thí điểm dạy phần lý thuyết lái xe ô tô hạng B1, B2, C tập trung trên nền tảng số.
Theo doanh nghiệp đề xuất, các môn học lý thuyết (học, thời gian học, kiểm tra hết môn và thi tốt nghiệp) được dùng nền tảng số dạy tập trung gồm môn pháp luật giao thông đường bộ, môn cấu tạo và sửa chữa thông thường.
Ngoài ra còn có môn nghiệp vụ vận tải, môn đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông, môn kỹ thuật lái xe.
Với hình thức này, học viên sử dụng máy tính, điện thoại, trang web... tự học, trao đổi kiến thức với người dạy, người học khác mọi lúc. Như vậy, những người học tiết kiệm chi phí học tập, thời gian học, linh động sắp xếp lịch học.
Trước đề án này, Sở GTVT TP.HCM cho rằng có cơ sở pháp lý để thực hiện. Bởi trên thực tế,quá trình dạy lái xe cần chuyển đổi số để tạo điều kiện cho người dân bố trí thời gian học linh hoạt, phù hợp xu hướng và lộ trình của thế giới.
Đặc biệt, việc chuyển đổi dạy lái xe ô tô tập trung trên nền tảng số là cần thiết, giúp khắc phục những bất cập đang tồn tại.
Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho triển khai thí điểm đề án tại TP.HCM. Thời gian thí điểm 2 năm, từ ngày chấp thuận hoặc đến khi Luật Giao thông đường bộ được thay thế.
Trao đổi thêm với phóng viên VietNamNet về đề xuất này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết: thời đại công nghệ 4.0 thì việc đào tạo bằng hình thức trực tuyến trở nên phổ biến với nhiều môn học ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Không phủ nhận đào tạo lái xe là lĩnh vực dạy nghề có điều kiện do liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, TS Khương Kim Tạo ví "có nét tương đồng ngành y” nhưng không vì thế mà cứng nhắc trong các quy định.
Thay vào đó, việc học viên có thể học online trong những môn học lý thuyết. “Việc này cần được triển khai đại trà ngay mà không phải thí điểm”, ông Tạo nói.
Theo ông, điều cần nhất lúc này là cơ quan chuyên môn (Cục Đường bộ Việt Nam - PV) nên rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Với những nội dung không còn phù hợp thì mạnh dạn cắt bỏ.
“Đơn cử như nội dung cấu tạo ô tô. Ô tô hiện nay rất hiện đại, có những hỏng hóc chỉ hệ thống cơ sở bảo dưỡng mới làm được. Đơn giản như việc thay ắc quy, không phải lái xe tự làm mà đã thay đúng. Hay bây giờ cần gì bắt học viên phải học: hút, nén, nổ, xả…làm gì nữa?”, TS. Khương Kim Tạo nói.
Trả lời câu hỏi nếu cho phép học viên được học online các môn học lý thuyết thì việc tổ chức, giám sát sẽ thực hiện ra sao? Ông Tạo cho rằng công nghệ sẽ thực hiện việc này.
Theo ông không khó để có thể đánh giá, giám sát việc học của học viên. Theo đó, dù không đến lớp học trực tiếp nhưng để đủ điều kiện tham gia sát hạch, học viên phải vượt qua những bài kiểm tra.
“Tuy nhiên, tôi cũng cần lưu ý hình thức học trực tuyến cũng không nên quy định cứng nhắc, bắt buộc tất cả phải học bằng hình thức này. Cần xem đây như là thêm hình thức khác để người học lựa chọn. Tránh trường hợp ở những vùng công nghệ thông tin chưa phát triển hoặc học viên không thích học online nếu có nhu cầu học đào tạo lái xe vẫn được quyền học tập”, TS Khương Kim Tạo bày tỏ.