Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Trong đó, đề xuất bãi bỏ khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế về quy định mức tiền phải trả lãi cho người nộp thuế khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm với mức tính lãi là 0,03%/ngày.
Một trong những lý do bởi chưa có quy định cụ thể về thẩm quyển, trình tự, thủ tục hoàn trả tiền lãi cho người nộp thuế và kinh phí chi trả, nên hiện nay cơ quan thuế chưa có cơ sở để triển khai thực hiện (không có phát sinh nguồn tiền chi trả lãi).
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Quy định về mức lãi phải trả tại 2 văn bản pháp luật nêu trên không có sự thống nhất.
Trong khi đó, Khoản 9 Điều 18 Luật Quản lý thuế cũng đã quy định nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế: “Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước”.
“Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế và đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quản lý thuế, nâng cao tính tuân thủ và sự hài lòng của người nộp thuế”, Bộ Tài chính nhận định.
Tạo thuận lợi để hoàn thuế nhanh
Bộ Tài chính cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; cơ quan thuế nào quản lý trực tiếp người nộp thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế thì cơ quan thuế đó giải quyết việc hoàn thuế, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa Chi cục Thuế và Cục Thuế.
Cũng theo Bộ Tài chính, pháp luật về quản lý thuế hiện hành chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức trong quản lý thuế, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế. Thực tế đã xảy ra tại Cục Thuế TPHCM, một số công chức bị Tòa án kết tội và phải thực hiện án phạt tù. Vụ án này gây tâm lý hoang mang, thận trọng trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế của các công chức thuế trên toàn quốc, làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế.
Do đó, cần bổ sung quy định trách nhiệm của công chức quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế nói riêng và giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế nói chung.
Bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh vì chưa nộp thuế
Luật Quản lý thuế hiện hành có quy định, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế quy định, “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức và cá nhân, do đó, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện đối với các chủ thể là cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế, chứ không chỉ áp dụng riêng đối với cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như quy định tại khoản 7 Điều 124.
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế, tăng tính linh hoạt trong việc áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế phù hợp với thực tế tại cơ quan thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.