- Ủy ban Thường vụ QH có nhiều ý kiến khác nhau về các quy định về thẩm quyền của Thủ tướng.
Dự thảo đề xuất Thủ tướng có thẩm quyền giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ QH phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; tạm thời giao quyền chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Minh Thăng |
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận định quy định này đảm bảo vai trò lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, có hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Quy định này cũng phù hợp tinh thần Hiến pháp.
"Thực tế từ trước đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khuyết chủ tịch UBND vì lý do sức khỏe, nghỉ hưu, điều động công tác mà HĐND chưa kịp bổ sung. Thủ tướng đã có quyết định chỉ định quyền chủ tịch UBND cấp tỉnh, khi chức danh này bị khuyết", ông Nguyễn Thái Bình nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ bổ sung quy định này. Nhưng với quy định sau thì ông nói cần cân nhắc: Thẩm quyền quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.
Chủ tịch QH thấy nếu bổ sung thì phải quy định cụ thể ngay trong luật: “Khi thi hành tổng động viên, Thủ tướng được quyền gì, biện pháp nào, không thể nói chung chung”.
Còn đề xuất giao Thủ tướng thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu phó chủ tịch tỉnh; phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết.
“Bầu chủ tịch, phó chủ tịch đều có tiêu chí, tiêu chuẩn và sẽ được thể hiện ở luật Tổ chức chính quyền địa phương", Chủ tịch QH phân tích.
Chung Hoàng