Theo Bộ GD-ĐT, trong Đề án trình Chính phủ về thang bảng lương mới, Bộ đang đề xuất mức phụ cấp của giáo viên mầm non là 36%. Khi xây dựng dự thảo, ước tính giáo viên mầm non mới ra trường sẽ được khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, mức phụ cấp cụ thể ra sao sẽ do Chính phủ phê duyệt.

Nói về mức phụ cấp này, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho hay: “Tôi cho rằng mức phụ cấp đề xuất này là phù hợp. Bởi trong các cấp học thì giáo viên mầm non vất vả nhất khi mỗi ngày làm việc từ 10 đến 14 tiếng, trong khi lương thấp và thu nhập tăng thêm gần như không có. Do đó, cần có những chế độ phụ cấp ưu đãi để họ an tâm công tác, đủ khả năng nuôi sống bản thân và gia đình. Tôi nghĩ, đối với đội ngũ giáo viên mầm non cần được sự quan tâm đặc biệt, mức phụ cấp càng cao càng tốt”.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam bày tỏ ủng hộ việc tăng phụ cấp đối với giáo viên mầm non.

“Với những địa phương điều kiện còn khó khăn như Quảng Nam thì việc quan tâm hỗ trợ này là điều rất tốt, đáng quý”.

Tuy nhiên, theo ông Quốc, đây cũng chưa phải là mức phụ cấp đủ để tạo ra một sự động viên, thu hút, giữ chân được các giáo viên mầm non, đặc biệt ở những vùng khó.

Theo ông Quốc, mức phụ cấp 36% chỉ cao hơn so với các bậc học khác còn nếu so với nhu cầu của công việc thì chưa phải cao. “Mức 36% thể hiện sự lắng nghe từ phía cơ sở và thể hiện sự quan tâm của Nhà nước nhưng cần thiết phải cân đối lại ngân sách nhà nước để tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa”.

Ông Quốc cho rằng, mức phụ cấp cần có định mức và chia theo từng vùng miền, chứ không nên cào bằng.

“Có thể ở những vùng núi cao, khó khăn thì mức cao. Với những vùng khó khăn, núi cao thì tôi đề xuất mức phụ cấp phải là 70%. Bởi ở những vùng cực kỳ khó khăn, muốn thay đổi được điều kiện kinh tế xã hội thì trước hết phải đi từ con người. Các giáo viên bám làng, bám bản thì mới thay đổi được. Ở những vùng thành phố, đồng bằng hoặc điều kiện xã hội thuận lợi thì mức 36% là chấp nhận được”, ông Quốc nói.    

“Có thể chúng ta cho rằng 70% là lớn nhưng sự hy sinh của của các giáo viên công tác ở những địa bàn khó khăn còn lớn hơn gấp nhiều lần. Họ chấp nhận đánh đổi thanh xuân của mình, chuyện gia đình để bám làng, bám bản. Phụ huynh ở những vùng đó đi nương rẫy từ sáng tới tối, gần như giao con cho các cô”.

{keywords}
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Quốc, với bậc học mà các giáo viên đã phải làm việc như vượt quá sức mình khi vừa nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy trẻ thì sự quan tâm cần phải được tiếp tục.

“Không chỉ về mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách mà cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để làm sao các giáo viên thuận lợi hơn”, ông Quốc nói.

Nhiều tỉnh hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non

Ngoài các chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, từ năm 2019, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn. Một trong 3 nội dung chính là hỗ trợ một phần lương cho giáo viên ngoài công lập.

Ông Vũ Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT Tuyên Quang cho hay, đối với chính sách này, hỗ trợ cho giáo viên ngoài công lập theo 3 vùng khác nhau. Vùng thuận lợi, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn theo các mức từ 1,3; 1,7 và 2 triệu đồng cho 12 tháng. Vùng thuận lợi thì giáo viên được hỗ trợ trong 5 năm đầu thành lập cơ sở.

Theo ông Dũng, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 40 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Theo đó, số giáo viên được thụ hưởng hỗ trợ khoảng 200 người. “Số tiền này từ ngân sách của tỉnh nhưng thực hiện chi trả trực tiếp tới giáo viên thông qua các phòng GD-ĐT”, ông Dũng nói.

“Chính sách này rất kịp thời đặc biệt trong giai đoạn các trường học nghỉ do dịch Covid-19, các giáo viên mầm non ngoài công lập rất khó khăn và không có thu nhập thêm”.

{keywords}
Ông Vũ Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT Tuyên Quang

Ngoài ra, ông Dũng cho hay, theo Thông tư 48, chế độ làm việc của giáo viên mầm non là 6 tiếng/ngày. Song thực tế, các giáo viên phải làm việc trên 10 tiếng mỗi ngày.

“Sở GD-ĐT cũng đã có công văn tới UBND các huyện, thành phố theo hướng hỗ trợ thêm kinh phí trực trưa cho giáo viên theo hình thức xã hội hóa. Nguyên tắc xã hội hóa theo sự thỏa thuận giữa cha mẹ trẻ với nhà trường, để động viên cho các giáo viên khi các chính sách của nhà nước chưa được kịp thời.

Hiện nay, một số địa phương cũng đã đưa ra chính sách đặc thù để góp phần động viên, khuyến khích giáo viên mầm non yên tâm công tác, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Như tỉnh Hậu Giang đã ra Nghị quyết của HĐND về việc hỗ trợ kinh phí khoán định mức giáo viên, nhân viên các trường mầm non, phổ thông công lập năm học 2019-2020 trên địa bàn. Theo đó cho phép hỗ trợ kinh phí giáo viên hợp đồng 3.900.000/người/tháng; nhân viên 3.250.000/người/tháng. Mức hỗ trợ không quá 12 tháng.

Ở Khánh Hòa, UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ tiền đò, xăng xe cho giáo viên công tác ở miền núi, hải đảo 100.000đ/người/tháng.

Một số tỉnh đã hỗ trợ tiền làm thêm giờ cho giáo viên từ ngân sách của địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Một số địa phương cũng ban hành chính sách của tỉnh để hỗ trợ công tác phổ cập giáo dục mầm non. Tỉnh Bắc Ninh đã quyết định hỗ trợ kinh phí khoán định mức giáo viên và nhân viên nấu ăn các cơ sở mầm non công lập trên địa bàn năm học 2019-2020. Theo đó giáo viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hưởng mức hỗ trợ khoán kinh phí giảng dạy là 4.351.000đ/giáo viên/tháng và thời gian thực hiện là 10 tháng/năm học. Nhân viên nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hưởng mức hỗ trợ khoản kinh phí là 3.970.000đ/cô nuôi/tháng và thời gian thực hiện là 10 tháng/năm học.

Ở Nghệ An cũng có chính sách hỗ trợ kinh phí để thuê khoán người nấu ăn phục vụ bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tỷ lệ giáo viên/lớp rất thấp. Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2019-2020, cả nước thiếu 45.242 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (đây là số lượng còn thiếu năm học 2019-2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non). Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực nặng nề hơn đối với giáo viên đứng lớp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, toàn ngành hiện có 364.776 giáo viên mầm non. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,82. Số giáo viên hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập là 48.392 người (tính đến tháng 3/2020).

Tỉ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật giáo dục 2019 đạt 73,7%, trong đó số đạt trình độ đào tạo đại học sư phạm trở lên đạt 50,7%; trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm là 23,5%; còn 26,3% giáo viên có trình độ trung cấp.

Thanh Hùng

Tăng hơn 2.600 trường mầm non sau 10 năm

Tăng hơn 2.600 trường mầm non sau 10 năm

Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi năm 2019 đạt 99,96% (tăng 3,56% so với năm 2011). Trong đó, 99,9% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.