Theo dõi trao đổi quanh đề xuất về tác phẩm "Chí Phèo" trong chương trình phổ thông, thạc sĩ Ngữ văn Trần Thị Bích Hà (Trường ĐH Luật TP.HCM) gửi tới VietNamNet bài viết đề xuất một hướng giảng dạy truyện ngắn này trong nhà trường.

Giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm, tính độc đáo trong hình tượng nghệ thuật, trong cách kể và ngôn ngữ nghệ thuật của Nam Cao là những điều không cần bàn cãi. Sức sống, sức hấp dẫn và lan tỏa của tác phẩm đã được minh chứng qua thử thách của thời gian và công chúng, đó là việc ra đời của kịch Chí Phèo, của phim Làng Vũ Đại ngày ấy (trong đó câu chuyện về Chí Phèo – Thị Nở là trục chính).

{keywords}
Cảnh trong phim 'Làng Vũ Đại ngày ấy"

Mấy chục năm qua, các giáo viên Văn bằng sự say mê của chính mình với tác phẩm của Nam Cao đã truyền cho các thế hệ học trò niềm say mê ấy mà dường như không bao giờ nghĩ, liệu học trò có thích học Chí Phèo không?

Có lẽ, họ cũng chưa bao giờ mở một cuộc điều tra ngay trong lớp mình dạy rằng tác động của tác phẩm Chí Phèo đối với em thế nào, tốt hay xấu. Bởi, với nhiều thầy, cô giáo Nam Cao là một tượng đài, việc điều tra như thế là “phạm thượng” và không cần thiết.

Nhưng rồi, bất ngờ, một ngày đầu tháng 12/2017, trên VietNamNet bỗng xuất hiện cái title “Nên đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?”. Lập tức có rất nhiều phản ứng trái chiều nhau trên báo và mạng xã hội, trong đó có ý kiến của các giáo viên Văn, các nhà phê bình và Tổng chủ biên môn Ngữ văn mới. Ai cũng có những lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình.

Trong bối cảnh đó, tôi đọc lại toàn bộ truyện Chí Phèo, suy nghĩ về ý kiến đề xuất của người đặt vấn đề nên đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình Ngữ văn 11, và thấy đây là một đề nghị nghiêm túc, dù tác giả bài viết có chỗ chưa hiểu đúng tác phẩm cũng như tính điển hình trong văn học.

Nên giữ tác phẩm trong chương trình

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới cho biết: “Trong dự thảo Chương trình Ngữ văn mới đã hoàn thành, chuẩn bị đưa lên mạng xin ý kiến rộng rãi, chương trình chỉ yêu cầu 6 tác phẩm quan trọng, bắt buộc; tất cả các tác phẩm còn lại chỉ nêu trong một danh mục gợi ý giúp các tác giả SGK và giáo viên hình dung ra đề tài, kiểu loại văn bản và mức độ khó theo từng lớp và nhóm lớp; không bắt buộc. Trong danh mục gợi ý ấy có tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Còn việc đưa tác phẩm ấy như thế nào vào SGK thì tùy vào tác giả của mỗi bộ sách”.

Như vậy là theo quan điểm của Tổng chủ biên (còn chờ lấy kiến công luận và phải thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia nữa), Chí Phèo sẽ vẫn được chọn đưa vào SGK Ngữ văn nhưng không phải là một trong 6 tác phẩm bắt buộc.

Đó là một quyết định phù hợp.

Giáo viên lựa chọn nội dung phù hợp đối tượng, tránh áp đặt 

Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, do đặc trưng trong phương thức tiếp nhận, mang nặng yếu tố chủ quan, cảm tính, cảm xúc… nên việc tiếp nhận một tác phẩm văn học với thái độ, cảm xúc hoàn toàn khác nhau là điều không hiếm.

Chính Truyện Kiều của Nguyễn Du đã từng gây ra những khuynh hướng tiếp nhận xung đột gay gắt trong quá khứ: một bên khen hết lời, một bên chê hết sức. Và trong tương lai, tác phẩm này chưa hẳn đã hết tranh cãi.

{keywords}
Truyện Kiều đã từng gây ra những khuynh hướng tiếp nhận xung đột gay gắt trong quá khứ

Môn Ngữ văn trong nhà trường là môn thuộc khoa học xã hội với đặc trưng riêng nhằm mục đích giúp HS nhận thức, hiểu biết về con người và xã hội, nhận thức và hiểu biết về chính mình với tất cả sự phức tạp của nó.

Môn học này cũng có mục đích giúp bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân ái, nhân văn; giúp phát triển năng lực thẩm mỹ; giúp người học giàu có hơn về vốn từ, rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng diễn đạt và giao tiếp…

Tất cả những mục đích đó được đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa, đặt trong xu hướng giáo dục khai phóng hướng đến tự do học thuật nhằm góp phần đào tạo nên những chủ thể tương lai tự tin, tự chủ, độc lập và sáng tạo.

Với học sinh lớp 11, chừng 16-17 tuổi, tôi cho rằng ở tác phẩm Chí Phèo, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu bức tranh hiện thực nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám được nhà văn phản ánh qua tác phẩm.

Đặc biệt là tìm hiểu cuộc đời Chí Phèo, với hoàn cảnh ra đời đáng thương, phẩm chất trong sạch đáng trọng nhưng không may bị đẩy vào cảnh tù đày oan uổng, từ đó trượt dài trên con đường tha hóa, gây ra biết bao tội lỗi, phải chịu những bi kịch đau đớn khi bị tước mất quyền làm người. Nhưng rồi gặp Thị Nở, nhờ bát cháo hành thấm đẫm tình người mà Chí Phèo thức tỉnh lương tri, nhận ra tội lỗi của mình, và khát khao được trở lại làm người lương thiện, nhưng đã bị từ chối.

Chí Phèo bị bế tắc, không muốn sống như cũ, song muốn sống lương thiện thì lại không được chấp nhận, cho nên Chí đã đâm chết Bá Kiến và rồi đâm chết chính mình…

Qua đó, giáo viên hướng dẫn học sinh cảm nhận được những khổ đau, khát vọng sống lương thiện, khát vọng hạnh phúc của con người.

Điểm cần nhấn mạnh nhất, tôi cho rằng, đó là giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Nhà văn Nam Cao qua tác phẩm Chí Phèo thể hiện được sự thấu hiểu nỗi khổ đau tột cùng của người nông dân trong xã hội cũ, họ không chỉ nghèo đói phải làm thuê làm mướn, không chỉ phải sưu cao thuế nặng, phải bán vợ đợ con (như trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố), mà đặc biệt họ có thể bị tước mất quyền làm người, quyền được sống lương thiện.

Không chỉ thấu hiểu nỗi khổ đau tột cùng ở họ, Nam Cao là nhà văn có niềm tin vào bản chất tốt đẹp của người nông dân. Nhà văn tin rằng dù bị kẻ ác xô đẩy vào hoàn cảnh bế tắc nhưng trong bề sâu nhất người nông dân Việt Nam vẫn muốn sống tử tế, lương thiện.

{keywords}
Cảnh trong phim 'Làng Vũ Đại ngày ấy"

Một trong những thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến mọi người là con người hãy mở rộng lòng mình, hãy yêu thương, chia sẻ (mà Thị Nở với bát cháo hành của Thị là một minh chứng cho ý nghĩa của tình thương khi đủ để đánh thức lương tâm của một quỷ dữ). Đừng định kiến và dửng dưng, vô tình như dân làng Vũ Đại.

Từ phần kết thúc của tác phẩm, giáo viên cũng có thể cho học sinh thảo luận và rút ra những bài học cho cuộc sống của chính mình. Xã hội chúng ta sống mọi người phải tuân theo pháp luật, không ai được tước sinh mạng, tước quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của người khác. Ngày nay, xã hội đã thay đổi rất nhiều, học sinh được dạy rằng, cuộc sống có nhiều con đường để lựa chọn, có nhiều cánh cửa để mở tương lai. Nếu gặp hoàn cảnh không may ta cần kiên nhẫn, nỗ lực phấn đấu, luôn giữ mình, không bao giờ được sa ngã, không để mình bị tha hóa, không ngừng trau dồi bản thân và quyết tâm theo đuổi mục đích, ước mơ.

Học vấn chính là con đường ngắn nhất và bền vững nhất để thay đổi cuộc đời. Chúng ta mong muốn và phấn đấu để xã hội Việt Nam sẽ không còn những làng như làng Vũ Đại và không có chỗ cho Chí Phèo con ra đời.

Giáo viên cũng có thể hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu về nghệ thuật viết truyện của nhà văn Nam Cao, về cách kết cấu truyện, về cách xây dựng nhân vật độc đáo có tính điển hình, về tính đa giọng điệu, về ngôn ngữ rất mực hiện đại, phong phú... Tất cả những điều đó cùng giá trị nội dung tạo nên tính khác biệt của Chí Phèo.

Với một tác phẩm xuất sắc, có chiều sâu tư tưởng và hình tượng nghệ thuật độc đáo, phức tạp như Chí Phèo, nó có thể tác động vào học sinh rất khác nhau, giáo viên không nên áp đặt suy nghĩ chủ quan mà cần lắng nghe cảm nhận của học sinh.

Người dạy rất cần bản lĩnh để phân tích, lý giải các câu hỏi, các tình huống có thể có trong giờ học nhằm định hướng nhận thức đúng đắn cho học sinh. Giờ học Văn ở trường phổ thông theo tinh thần khai phóng là tạo điều kiện cho các em phát biểu, tôn trọng ý kiến của các em nhưng không có nghĩa là sau giờ học các em muốn hiểu thế nào cũng được, mà vẫn cần vai trò dẫn dắt của giáo viên, bằng việc phân tích, lý giải thuyết phục.

Giáo viên đặt tác phẩm vào hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh hiện nay để hướng các em tiếp nhận được những giá trị tốt nhất của tác phẩm, mà người sáng tác đã dành biết bao tâm huyết mới có được.

ThS. Ngữ văn Trần Thị Bích Hà (Trường ĐH Luật TP.HCM)

Đề xuất đưa "Chí Phèo" ra khỏi chương trình lớp 11: Sự thể tất của trí tuệ

Đề xuất đưa "Chí Phèo" ra khỏi chương trình lớp 11: Sự thể tất của trí tuệ

Có 2 logic của 2 câu chuyện trong cuộc tranh luận “nên hay không nên để tác phẩm Chí Phèo trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11”. Những người ở hai câu chuyện này đang tranh cãi về hai câu chuyện khác nhau, với logic khác nhau.

Bỏ “Chí Phèo”: “Nên nghe học sinh nói nhiều hơn”

Bỏ “Chí Phèo”: “Nên nghe học sinh nói nhiều hơn”

Cần nghe hơn nữa cảm xúc người học, nghiên cứu sự tác động của tác phẩm văn học đến hành vi, ứng xử của học sinh… là những đề nghị đáng chú ý xung quanh ý kiến đưa "Chí Phèo" ra khỏi chương trình Ngữ văn lớp 11.

"Chí Phèo" sẽ xuất hiện trong chương trình Ngữ văn mới ra sao?

"Chí Phèo" sẽ xuất hiện trong chương trình Ngữ văn mới ra sao?

Trước đề xuất đưa tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình Ngữ văn, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới.

Giáo viên đang dạy "Chí Phèo" như thế nào?

Giáo viên đang dạy "Chí Phèo" như thế nào?

Nhiều giáo viên khẳng định tác phẩm "Chí Phèo" là một kiệt tác của văn học, hàm chứa những giá trị nhân văn vĩnh cửu.

Giáo viên dạy văn phản bác đề xuất đưa "Chí Phèo" ra khỏi sách Ngữ văn

Giáo viên dạy văn phản bác đề xuất đưa "Chí Phèo" ra khỏi sách Ngữ văn

Phải chăng chính Sóng Hiền đã rơi vào cái “phiến diện và mang tính áp đặt” mà chính anh đã phê phán các nhà phê bình văn học trước đó, hay anh đang tự mâu thuẫn với chính mình?".

Nên đưa tác phẩm “ Chí Phèo “ ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?

Nên đưa tác phẩm “ Chí Phèo “ ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?

"Tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ tác phẩm này liệu có giá trị thật sự về mặt giáo dục hay không nếu vẫn tiếp tục giữ trong chương trình Ngữ văn phổ thông".

Đưa "Chí Phèo" khỏi sách Ngữ văn: Một góc nhìn hớt váng!

Đưa "Chí Phèo" khỏi sách Ngữ văn: Một góc nhìn hớt váng!

Đọc "Chí Phèo", tôi luôn trân trọng tấm lòng đối với con người của nhà văn Nam Cao, hiểu được thái độ dũng cảm đối mặt hiện thực của một nhà văn chân chính.