Một nghiên cứu sinh từ Australia vừa gửi tới VietNamNet bài viết đề xuất một giải pháp cho đào tạo tiến sĩ của Việt Nam.
VietNamNet giới thiệu bài viết này và mong nhận được các ý kiến khác của độc giả theo địa chỉ [email protected].
"Chính sách tiền lương hiện nay là rào cản thu hút nhân tài về làm việc cho hệ thống giáo dục" |
Thời gian qua, đã có nhiều bàn luận về ý tưởng dùng 12.000 tỷ đồng để đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ cho hệ thống giáo dục. Đa phần các ý kiến tỏ ra hoài nghi về hiệu quả nếu tiếp tục thực hiện như những dự án đã và đang thực hiện và mong muốn khi chưa có những tổng kết, rút kinh nghiệm thì chưa nên thực hiện tiếp...
Về vấn đề này, có một điều tôi muốn khẳng định rằng chính sách tiền lương hiện nay chính là rào cản.
"Một" giáo sư - "Năm" tiến sĩ
Với mong muốn góp một giải pháp nhỏ cho ý tưởng này, tôi đề xuất mô hình “Một - Năm” cho đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam với những mục tiêu chính sau:
- Đào tạo tiến sĩ đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
- Từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ nghiên cứu hiện có của nước nhà.
- Nâng cao số lượng công trình công bố quốc tế của Việt Nam.
- Tạo ra những nhóm nghiên cứu mạnh trong nước về một số lĩnh vực ưu tiên.
Để đạt được những mục tiêu chính như trên, chúng ta cần thực hiện các bước chính như sau: thu hút nhân tài và thực hiện đào tạo.
Về thu hút nhân tài, với mô hình “Một - Năm” đó là “Một” giáo sư và “Năm” tiến sĩ (giáo sư và cộng sự). Chúng ta sẽ mời một giáo sư hàng đầu trên thế giới về một lĩnh vực ưu tiên. Sau khi đã mời được, đề án sẽ cho giáo sư toàn quyền trong việc tuyển dụng “Năm” tiến sĩ mà sẽ làm việc cùng mình.
Về đào tạo, mỗi người hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh. Theo ước tính trong khoảng 3 năm, giáo sư và cộng sự sẽ hướng dẫn được khoảng 30 tiến sĩ đạt trình độ quốc tế.
Để làm được việc này, tôi đề xuất chúng ta cần hai yếu tố chính: chính sách tiền lương và điều kiện làm việc tốt.
Về chính sách tiền lương, chúng ta sẽ trả lương cho giáo sư và cộng sự mức lương tương đương với mức lương mà họ nhận được tại nơi họ đang công tác. Theo hiểu biết của tác giả (ước lượng), chúng ta sẽ cần chi trả cho giáo sư khoảng 3 tỉ đồng và cộng sự 2 tỉ đồng trong một năm.
Về điều kiện làm việc, giáo sư và cộng sự sẽ được khuyến khích và tạo điều kiện để có thể đề xuất các đề tài nghiên cứu, ứng dụng và nhận được kinh phí từ Nhà nước, các công ty, và kể cả các quỹ nghiên cứu từ nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2016-2017, tổng số cơ sở giáo dục đại học ở nước ta là 235, số lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là 72.792 người. Trong đó số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%); |
Toàn bộ kinh phí mà giáo sư và cộng sự có được sẽ chỉ phục vụ cho quá trình đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu, và trả lương cho người làm, nếu cần thuê thêm nghiên cứu viên (trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu sau tiến sỹ, nghiên cứu sinh mới ngoài 30 nghiên cứu sinh đã nhắc tới ở trên). Và quỹ nghiên cứu này được toàn quyền quyết bởi giáo sư và cộng sự. Giáo sư và cộng sự sẽ nhận được những phần thưởng khi có những nghiên cứu đạt thành tích cao.
Giáo sư và cộng sự sẽ làm việc ở trong các trường đại học có cơ sở vật chất tốt, được sử dụng toàn bộ thiết bị của trường để phục vụ nghiên cứu của nhóm. Trong trường hợp nhóm cần có trang thiết bị khác mà trường không có, đề án sẽ mua để phục vụ nhóm nghiên cứu.
Về nhóm 30 nghiên cứu sinh, để thu hút và tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, tôi đề xuất đề án trả lương cho họ khoảng 15 triệu đồng/tháng/người. Với mức lương này, trong điều kiện Việt Nam là cao hơn mức trung bình trung của giảng viên, sinh viên mới ra trường làm ở các công ty ngoài quốc doanh. Như vậy, một năm hết khoảng 180 triệu đồng tiền lương cho mỗi nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, để hỗ trợ, quỹ nghiên cứu dành cho mỗi nghiên cứu sinh khoảng 120 triệu đồng/ 3 năm. Quỹ này quản lý bởi giáo sư và cộng sự và chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu tiến sĩ của nghiên cứu sinh.
Tổng chi phí cho nhóm nghiên cứu trong khoảng thời gian 3 năm
Nhóm nghiên cứu | Lương | Trong 3 năm |
Giáo sư | 3 tỷ/ Năm | 9 tỷ |
Cộng sự (5 cộng sự) | 5* 2 tỷ/năm | 30 tỷ |
NCS (30) | 30*0,18 tỷ/năm | 16,2 tỷ |
Quỹ nghiên cứu | 30*0,12 tỷ/3 năm | 3,6 tỷ |
Tổng | 58,8 tỷ |
Giáo sư và cộng sự làm việc tại các trường đại học, mỗi thành viên sẽ tham gia một buổi giảng dạy tại trường đại học mỗi tuần. Đồng thời, họ sẽ tổ chức các buổi thảo luận để bồi dưỡng cho giảng viên trong nước, nghiên cứu viên trong nước, và trình bày các hướng nghiên cứu mà nhóm đang thực hiện.
Chất lượng nghiên cứu sinh sẽ được nâng lên
Để đảm bảo nâng cao năng lực cho đội ngũ nghiên cứu trong nước, chúng ta khuyến khích họ nâng cao năng lực ngoại ngữ, để có thể tiếp thu hiệu quả các buổi hội thảo của giáo sư và cộng sự.
Tôi tin chắc rằng có rất nhiều nghiên cứu trong nước, cả khoa học xã hội nhân văn và khoa học kỹ thuật, về nội dung có thể công bố được trên các tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ và phương pháp trình bày đã hạn chế những nghiên cứu này. Với sự hỗ trợ trực tiếp của giáo sư và cộng sự cũng như nỗ lực của đội ngũ nghiên cứu trong nước, tôi tin rằng năng lực nghiên cứu của đội ngũ trong nước sẽ từng bước được cải thiện, số lượng công bố quốc tế sẽ từng bước được nâng lên.
Như vậy, với kinh phí khoảng 60 tỉ đồng trong 3 năm, đề án sẽ đào tạo được khoảng 30 nghiên cứu sinh có trình độ quốc tế. Số lượng công bố quốc tế ước tính từ nhóm nghiên cứu ít nhất là 100 bài báo khoa học có giá trị, đồng thời góp phần từng bước nâng cao được năng lực của đội ngũ nghiên cứu trong nước.
Với 12.000 tỉ đồng, chúng ta sẽ có được khoảng 200 nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, để tạo ra những bước đột phá trong một số lĩnh vực ưu tiên, chúng ta chỉ nên lập ra khoảng 50 nhóm nghiên cứu và đặt tại khoảng 15 trường đại học hàng đầu của Việt Nam. Như vậy thời gian để thực hiện đề án khoảng 10 năm.
Theo ước tính của tôi, trong thời gian 10 năm này, sẽ có khoảng 6.000 tiến sỹ đạt chuẩn quốc tế và ít nhất có khoảng 20.000 bài báo quốc tế có chất lượng từ các nhóm nghiên cứu này.
Với đội ngũ nghiên cứu trong nước tại các cơ sở đã được kiểm định tiếp tục đào tạo tiến sĩ, đồng thời tham gia vào các hội thảo do giáo sư và cộng sự tổ chức, chất lượng của các nghiên cứu sinh này cũng sẽ được nâng lên.
Như đã đề cập ở trên, giáo sư và cộng sự sẽ có một lượng không nhỏ kinh phí nghiên cứu khác ngoài kinh phí mà chi trả từ đề án. Với lượng kinh phí này, Giáo sư và cộng sự có thể tuyển các ứng viên nghiên cứu sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh mới, hay kết hợp với các nghiên cứu sinh từ các trường, viện nghiên cứu trong nước để thực hiện đề tài. Và tôi tin rằng những đóng góp đó thậm chí còn vượt lên trên cả những con số khái toán mà tôi tính toán hiệu quả đạt được từ 12.000 tỉ đồng.
Hiện nay, với những thay đổi trong chính sách về tự chủ đại học, tôi mong rằng chính sách tiền lương từng bước được cải thiện, với hy vọng trong tương lai đó sẽ là động lực để thu hút nhân tài.
Trên đây là giải pháp mang tính cá nhân, với mong muốn tranh luận đa chiều, và làm sao cho năng lực nghiên cứu của Việt Nam từng bước tiệm cận với thế giới. Tôi mong nhận được những góp ý khác để cho ý tưởng hoàn thiện hơn nữa.
NTS (Nghiên cứu sinh từ Australia)
Đề án 9.000 tiến sĩ: 8 yếu tố quan trọng bị "bỏ qua"
Hầu hết những ý kiến liên quan đến ý tưởng dùng 12.000 tỷ đồng để đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ cho hệ thống giáo dục đều bỏ qua một số điểm quan trọng.
Nóng bỏng đề án 9.000 tiến sĩ, ấm áp tri ân thầy cô
Các ý kiến tranh luận xoay quanh đề án đào tạo 9.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ, lời chúc thiết thực của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước thềm 20/11... là những điểm nhấn giáo dục trong tuần qua.
Sẽ chi 12.000 tỷ, đào tạo 9.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục
Một đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng với mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) sẽ được trình lên Chính phủ
Đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ: Bài học "kích cầu" của Đức
TS Nguyễn Sỹ Phương cho rằng "để rút ngắn khoảng cách cả về số lượng lẫn chất lượng học vị tiến sĩ giữa ta với Âu Mỹ không thể không xuất phát từ nguyên lý, quy luật, điểm cân bằng “cung cầu"...".