Ngành nông nghiệp giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế tại TP.HCM vì là sinh kế của của hơn 2 triệu cư dân, chiếm 21,5% dân số thành phố. Những hoạt động sinh kế chính gồm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng rau/hoa màu.

Thời gian qua, bên cạnh, ngành nông nghiệp TP.HCM phải đối mặt với không ít khó khăn. Đáng chú ý là chất thải nông nghiệp và chăn nuôi chưa được tận dụng, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. 

Đối với phụ phẩm trồng trọt, cây lúa để lại khối lượng phụ phẩm lớn nhất. Phụ phẩm từ lúa (rơm, rạ) có thể được tận dụng cho nhiều mục đích, thế nhưng đa số nông dân đốt bỏ gây ô nhiễm không khí. Chất thải từ chăn nuôi là một nguồn tài nguyên có giá trị trong trồng trọt, tuy nhiên hiện nay phần lớn các trang trại không tận dụng, không xử lý triệt để tại chỗ, gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng phát sinh một lượng lớn nước thải, bùn thải, các chất thải khác phát thải ra môi trường.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ sự cố chất thải, nhóm nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM đã đề xuất triển khai 3 mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Một là mô hình kinh tế tuần hoàn cho hoạt động chăn nuôi nông hộ. Nguồn phát sinh chất thải chính của quá trình chăn nuôi là phân và nước rửa chuồng.

Theo mô hình này, rác thải vô cơ có thể tái chế được bán phế liệu, còn một phần phân tươi của chăn nuôi được tách để ủ phân compost bón cho cây trồng.

Để triển khai hiệu quả mô hình này, cần xây lắp hệ thống biogas từ chất thải chăn nuôi của các trang trại để thu hồi khí sinh học phục vụ cho nấu ăn; Thu hồi khí sinh học từ hệ thống xử lý nước thải (biogas) để nấu ăn hoặc chạy máy phát điện cung cấp điện lại cho chuồng trại và nhà ở; Xây dựng bể lắng lọc nhằm thu hồi lại lượng cặn để ủ phân compost; Đào mới hoặc cải tạo ao sẵn có của hộ thành ao sinh học (nuôi cá, trồng cây thủy sinh như rau muống, lục bình,..) nhằm đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn hiện hành; Tái sử dụng nước thải sau xử lý cho các hoạt động có nhu cầu dùng nước như tưới cây...

Hai là mô hình kinh tế tuần hoàn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nguồn phát sinh chất thải chính của hoạt động nuôi trồng thủy sản là nước thải và bùn đáy ao, vỏ đầu tôm/xác cá chết, bao bì đựng thức ăn, vỏ chai lọ thuốc thủy sản.

anh bai 14.jpg
Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giảm chất thải phát sinh trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Một số định hướng giải pháp cho mô hình thực hiện gồm: Xử lý bùn thải từ quá trình nuôi tôm siêu thâm canh bằng biogas; Xử lý nước thải từ ao nuôi bằng thực vật thủy sinh; Xử lý nước thải từ ao nuôi siêu thâm canh bằng các chế phẩm vi sinh; Ủ phân hữu cơ cải tạo đất bằng đầu vỏ tôm chết; Ủ phân hữu cơ từ bùn thải ao nuôi tôm siêu thâm canh; Sản xuất than sinh học từ sinh khối thực vật bản địa; Thiết kế và ứng dụng thiết bị tận dụng nắng mặt trời thu hồi nước ngọt.

Ba là mô hình kinh tế tuần hoàn cho hoạt động trồng rau/hoa màu. Nguồn phát sinh chất thải chính của hoạt động trồng rau/hoa màu là chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, gốc rễ của rau màu sau khi thu hoạch, nước thải sau quá trình tưới…

Với mô hình kinh tế tuần hoàn, rác thải hữu cơ được ủ phân compost, rác thải vô cơ có thể tái chế được bán phế liệu.

Khu ủ phân compost được xây dựng, dùng để ủ các phế phẩm từ trồng rau. Chất thải từ trồng trọt (lá cây, cành cây khô) xung quanh sẽ được gom lại và lưu trữ tại nơi khô ráo thoáng mát, sau đó sẽ được đem đi làm nguyên liệu cho lò đốt biochar để tạo ra sản phẩm than sinh học, dùng để bón cho vườn rau.

Các mô hình đề xuất của nhóm nghiên cứu đều dựa trên điều kiện sinh kế hiện có của các hộ trong hoạt động nông nghiệp, phát triển thêm các hạng mục bổ sung để xử lí triệt để chất thải.

Nếu triển khai hiệu quả những mô hình nêu trên thì sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ sự cố chất thải trong nông nghiệp, rút ngắn lộ trình hướng tới không phát thải, tạo sinh kế bền vững cho người dân nông thôn trên địa bàn TP.HCM thời gian tới.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV