- Chủ đầu tư cải tạo khu chung cư cũ Thành Công đề xuất lấp một ha hồ để xây nhà tái định cư, phần diện tích bị lấp sẽ được đào hoàn trả trong dự án mới. Tuy nhiên theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội cho rằng, đề xuất là không theo quy hoạch.
Tại hội thảo cải tạo chung cư cũ vừa diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihaijco, đơn vị được thành phố giao cải tạo chung cư cũ Thành Công) đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy một phần diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ.
Sáng nay (10/4), phía chủ đầu tư đã chính thức lên tiếng về vấn đề này, theo lý giải của doanh nghiệp này, thực hiện chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội tại Công văn số 5621/UBND-ĐT, ngày 30 tháng 9 năm 2016 về việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn, theo đó công ty đã được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 toàn Khu tập thể Thành Công với quy mô diện tích đất khoảng 23,058 ha và số lượng nhà chung cư cũ là 67 nhà cao 2 – 5 tầng.
Hồ Thành Công nằm giữa phố Thành Công, Láng Hạ, Nguyên Hồng và đường Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh Lê Anh Dũng/VietNamNet) |
Để đảm bảo tính khả thi của đồ án nhằm tăng tiện ích cho khu dân cư mới, tạo được quỹ đất sạch để triển khai được ngay nhà tái định cư mà không phải di chuyển dân đến các khu tạm cư, tránh gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân. Mặt khác, người dân cũng có điều kiện giám sát và khẳng định chất lượng nơi ở mới của mình mà nhà đầu tư sẽ cung cấp, doanh nghiệp đã đề xuất giải pháp điều chỉnh quy hoạch công viên và hồ Thành Công hiện hữu khoảng 10ha theo hướng không làm thay đổi diện tích mặt nước hiện có; dự kiến hoán đổi toàn bộ diện tích khoảng 1ha đất trong phạm vi công viên và hồ Thành Công để xây dựng nhà tái định cư tại chỗ cho người dân; hoàn lại bằng cách điều chỉnh mở rộng ranh giới hồ vào trong khu dân cư mới, lấy ra được khoảng 1ha từ quỹ đất của công viên và hồ Thành Công.
Doanh nghiệp này cho rằng, sẽ hoàn trả đúng diện tích công viên và hồ Thành Công vào trong ranh giới quy hoạch được giao, đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước đô thị theo đúng quy hoạch phân khu. Thực tế, diện tích mặt nước hoàn toàn không thay đổi so với diện tích cũ, đồng thời lại khai thác cảnh quan hồ Thành Công cho khu vực được hiệu quả hơn rất nhiều do gắn kết công viên hồ với cộng đồng dân cư trong đô thị. “Đây sơ bộ được đánh giá là một cách làm mới và theo tính toán, chi phí từ việc nghiên cứu đề xuất cho đến triển khai xây dựng sẽ tăng rất nhiều so với cách làm truyền thống. Câu hỏi đặt ra là tại sao chi phí lớn mà doanh nghiệp vẫn đề xuất cách làm như vậy?”
"Hầu hết các dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội các năm qua gặp khó khăn, bế tắc chủ yếu ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề tạm cư cho người dân… Nay, với đề xuất này của công ty thì có thể xây nhà tái định cư ngay mà chưa cần phải di dời, tạm cư cho các hộ dân đang sử dụng khu tập thể. Thay vì việc nhận tiền tự lo nơi ở tạm cư ở vị trí khác hoặc phải di chuyển cả hộ gia đình, người dân sẽ được sử dụng nhà ở ngay tại chính khu vực mình đang sinh sống" - doanh nghiệp lý giải.
Đơn vị này cũng cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện các phương án quy hoạch đề xuất cho đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu tập thể Thành Công.
“Đồng thời, chúng tôi cũng đã trình các đề xuất về chỉ tiêu kiến trúc – quy hoạch lên Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng để lấy ý kiến triển khai thực hiện dự án. Để thực hiện đồ án đạt chất lượng quy hoạch tốt nhất, các phương án này đã được công ty làm việc chặt chẽ với đơn vị tư vấn uy tín Singapore”, đại diện Vihajico cho biết.
Tại hội nghị, đánh giá đề xuất của nhà đầu tư là mạnh dạn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận: "Có những đề xuất mà ngay cả thành phố chưa thể quyết được, ví dụ lấy một ha hồ Thành Công làm nhà cho dân. Đề xuất này được cho dân, được cho doanh nghiệp nhưng liệu thành phố có dám xóa bỏ quy hoạch chỗ đó không? Chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác, chắc gì đã làm được".
Ông Hùng cho rằng, đề xuất này cũng nảy ra cơ chế xác định vị trí tái định cư cho người dân xem trước. Nếu người dân đồng ý sẽ xây ngay nhà tái định cư, sau đó mới phá chung cư cũ và làm tiếp các hạng mục khác. Như vậy người dân có nhà về ở luôn, không phải đi nơi khác.
Trao đổi về đề xuất này, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội cho rằng, đề xuất là không theo quy hoạch.
"Hà Nội đang phát triển cây xanh mặt nước đề xuất như vậy là không theo quy hoạch. Trong quy hoạch chung thủ đô phát triển cải tạo chung cư cũ phải theo quy hoạch. Người ta không lấp hồ thì lại đi lấp hồ là không hợp lý" -ông Nghiêm nói.
Cũng theo ông Nghiêm, việc nâng tầng phải tuân thủ theo quy hoạch thủ đô. "Trong quá trình cải tạo chung cư cũ có nhiều giải pháp không bền vững như việc xây ốp, xây chen. Tất cả đến nay đều không ổn định gây khó khăn cho giai đoạn tiếp theo. Phải đảm bảo cho Hà Nội phát triển ổn định lâu dài, phải tuân thủ theo quy hoạch nếu đặc biệt thì phải cân đối trên toàn địa giới thủ đô chứ không phải nhấn vào một vùng nào" - ông Nghiêm nhấn mạnh.
Thông tin tại hội thảo, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết trên địa bàn thành phố có gần 1.300 chung cư cũ có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng.
Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập. Tuy nhiên, nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 khu đang phá dỡ, 4 khu nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.
Hồng Khanh