Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) vừa phối hợp cùng Cục quản lý MMDS và Kiểm định sản phẩm mật mã - Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức hội nghị phổ biến và tọa đàm với các doanh nghiệp về triển khai Nghị định 58/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS (Nghị định 58).
Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, Nghị định 58 áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS; xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Nghị định này thay thế cho Nghị định 73 của Chính phủ ban hành năm 2007 về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Là một Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An toàn thông tin mạng(ATTTM), một nội dung quan trọng của Nghị định 58 là ban hành Danh mục 8 sản phẩm, 3 dịch vụ MMDS và Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép. Khoản 1 Điều 31 Luật ATTTM quy định, khi kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thuộc Danh mục sản phẩm, dịch vụ MMDS, doanh nghiệp phải có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS. Còn theo khoản 1 Điều 34 Luật ATTTM, khi xuất khẩu, nhập khẩu MMDS thuộc Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp phải có Giấy phép.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNISA Vũ Quốc Thành nhấn mạnh, đây là buổi tọa đàm hết sức ý nghĩa đối với cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp thành viên VNISA cũng là những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin - đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định 58.
Ông Vũ Quốc Thành cho biết, trong thời gian này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin cùng lúc phải đọc, hiểu và chuẩn bị thực hiện 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật ATTTM gồm Nghị định 58 về MMDS và Nghị định 108/2016/NĐ-CP quy định chi tiết điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. “Với Nghị định 58 về MMDS, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Mặc dù đã đọc song bản thân tôi cũng thấy có nhiều điểm trong Nghị định 58 cần được làm rõ hơn. Buổi tọa đàm này là cơ hội để doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tăng cường sự hiểu biết để quá trình thực thi pháp luật vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa tạo sự dễ dàng cho cơ quan quản lý”, ông Thành nói.
Băn khoăn lớn được nhiều doanh nghiệp như: Viettel, CMC InfoSec, Misoft, Bkav, Netnam, MK Group, Intel… phản ánh là xác định đâu là sản phẩm MMDS thuộc danh mục phải xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu. Các doanh nghiệp cho rằng phải làm rõ hơn nội dung này bởi lẽ các cán bộ, nhân viên phụ trách hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp không làm kỹ thuật chuyên sâu sẽ không hiểu được những khái niệm chuyên ngành MMDS.
Vấn đề trên cũng được Hội Tin học Việt Nam đưa ra trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 14/7/2016 đề xuất chỉnh sửa Nghị định 58 về MMDS. Công văn của Hội Tin học Việt Nam nêu rõ: “Điều gây bức xúc, khó hiểu nhất chính là Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép trong Phụ lục II của Nghị định. Về nguyên tắc tất cả các sản phẩm được liệt kê trong Danh mục sẽ thuộc loại sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép vì vậy những sản phẩm CNTT thông thường như máy in các loại (Mã HS 84.43), máy xử lý dữ liệu tự động (Mã HS 84.71), Máy điện thoại các loại (Mã HS 85.17)… cũng sẽ phải xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và nếu như vậy thì đây là một quy định đi ngược lại thông lệ chung của Việt Nam và thế giới, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Giải đáp băn khoăn của các doanh nghiệp, tại cuộc tọa đàm, ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục quản lý MMDS và Kiểm định sản phẩm mật mã cho biết: “Phần phụ lục II của Nghị định 58 đã quy định rất rõ Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép chỉ áp dụng đối với các thiết bị mà cả số HS, tên gọi và mô tả chức năng mật mã trùng với mã số HS, tên gọi và mô tả chức năng mật mã hàng hóa thuộc Danh mục. Danh mục gồm 3 cột: Mã HS, Tên gọi, Mô tả chức năng mật mã. Nếu sản phẩm không có chức năng mật mã thì không cần phải ghi nội dung vào cột Mô tả chức năng mật mã và những sản phẩm này không thuộc danh mục phải xin cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu”.
Cục trưởng Vũ Văn Xứng cũng nêu rõ những sản phẩm thuộc diện được loại trừ khỏi Danh mục phải xin cấp phép, đó là những sản phẩm CNTT được sử dụng rộng rãi, trong đó chức năng bảo vệ thông tin sử dụng mật mã không phải là chức năng chính và được cài đặt sẵn, không cần sự hỗ trợ nào từ nhà cung cấp.
Ông Vũ Văn Xứng đề nghị các doanh nghiệp trong quá trình triển khai, khi gặp vướng mắc hay có thắc mắc, có thể liên hệ trực tiếp với Cục quản lý MMDS và Kiểm định sản phẩm mật mã, Cục Giám sát quản lý về Hải quan. “Quá trình triển khai Nghị định này, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Cục Giám sát quản lý về hải quan, có văn bản gửi các cơ quan hải quan trên toàn quốc để đảm bảo việc áp dụng, triển khai Nghị định 58 về MMDS được thuận lợi, thông suốt”, ông Xứng chia sẻ.
Về phía đại diện Tổng cục Hải quan, ông Đào Văn Hiệp, Phó Phòng Giám sát Quản lý Hải quan 1, Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng khẳng định, khi làm thủ tục hải quan, chỉ sản phẩm nào có cả 3 cột (Mã HS, Tên gọi, Mô tả chức năng mật mã) thuộc Danh mục trong phụ lục II thì các doanh nghiệp mới phải xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp chưa rõ về mã HS thì liên hệ với bên Hải quan, còn để xác định sản phẩm đó có phải mật mã dân sự không thì gửi tài liệu kỹ thuật cho bên Cục Cục quản lý MMDS và Kiểm định sản phẩm mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ).
“Nếu doanh nghiệp không khai nội dung vào cột Mô tả chức năng mật mã, cơ quan hải quan sẽ không yêu cầu doanh nghiệp phải trình giấy phép. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cố tình không khai để không phải xin giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS thì sẽ bị xử phạt”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Cũng tại buổi tọa đàm về Nghị định 58, đại diện Intel bày tỏ sự lo ngại đối với quy định doanh nghiệp có trách nhiệm “phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khi có yêu cầu” và quy định người sử dụng sản phẩm MMDS phải “cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến khóa mã cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu”, bởi chưa rõ thế nào là “biện pháp nghiệp vụ khi có yêu cầu” và e ngại việc cung cấp thông tin mã khóa có liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Đối với băn khoăn này, Cục trưởng Vũ Văn Xứng khẳng định: “Chỉ có Viện Kiểm sát và Công an là 2 cơ quan có quyền yêu cầu doanh nghiệp và các đối tác thực thi 2 nội dung nêu trên”.
Đại diện VNISA cũng đưa ra đề xuất lập danh mục tra cứu các sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu phải xin cấp phép. “Trong bối cảnh còn rất nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ các quy định trong Nghị định 58, các doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần hỗ trợ trao đổi thông tin với nhau. Rất mong các doanh nghiệp có sản phẩm thuộc Danh mục hoặc không thuộc Danh mục MMDS phải cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu tích cực tham gia cập nhật dữ liệu để tạo thành một danh mục cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp khác khi cần có thể tra cứu. Danh mục này sẽ được đăng tải trên website của VNISA và liên tục được cập nhật để góp phần gỡ rối cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS”, đại diện VNISA đề nghị.