- UB Tài chính - Ngân sách đề xuất bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên như Tập đoàn Xăng dầu, Dầu khí, Điện lực.
UB Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị kiểm toán việc thu ngân sách từ hoạt động tạm nhập, tái xuất xăng dầu |
Kiểm toán sẽ đánh giá tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính nhằm kiến nghị Chính phủ, Quốc hội trong việc chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc DNNN và cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại nhà nước.
Đồng thời đánh giá được việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, trong đó tập trung đánh giá việc điều hành lãi suất, tỷ giá ngoại hối, cho vay tái cấp vốn; đánh giá việc sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối nhà nước và hoạt động tín dụng (nợ quá hạn, nợ xấu). Kết quả thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Thẩm tra báo cáo trên, Thường trực UB Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề xuất cần bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như Tập đoàn Xăng dầu, Dầu khí, Điện lực.
Riêng trong lĩnh vực xăng dầu, ủy ban này đề nghị kiểm toán việc thu ngân sách từ hoạt động tạm nhập, tái xuất. Vì, căn cứ theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, một số DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối có tỷ lệ hàng tồn kho tạm nhập tái xuất cao như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tồn khoảng 65 nghìn tấn xăng (63 triệu USD) và 170 nghìn tấn dầu DO (tương đương 150 triệu USD). Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) tồn 7 nghìn tấn xăng, Công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp tồn 10 nghìn tấn xăng. Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam tồn 62 nghìn tấn xăng máy bay...
Chủ nhiệm UB Phùng Quốc Hiển phân tích rõ hơn, Kiểm toán cần tập trung nguồn lực kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và tài sản nhà nước, sản xuất kinh doanh các mặt hàng độc quyền ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống như điện, than, xăng dầu... Từ đó đưa ra các nhận định toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, chiến lược đầu tư trong và ngoài ngành, tình hình thực hiện cổ phần hoá DNNN để giúp Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách hợp lý trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN.
Cần thực hiện kiểm toán các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ và những tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh những năm gần đây, kể cả những đơn vị đã được kiểm toán trong thời gian trước, đánh giá hoạt động tái cấu trúc đã thực hiện thời gian qua.
Cũng theo UB Tài chính - Ngân sách QH, năm 2013, Kiểm toán cũng nên tập trung nguồn lực chuyên sâu kiểm toán chính sách tiền tệ, quá trình sáp nhập, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, tình hình tài chính của các ngân hàng sau tái cơ cấu.
Các ý kiến trên sẽ được tiếp thu, phân tích để Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện báo cáo, trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Lê Nhung