Chiều 6/6, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Trình bày tờ trình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo luật giữ nguyên hệ thống hình phạt hiện hành. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên. Giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.
Dự thảo luật cũng bổ sung hình phạt cảnh cáo. Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm. Đồng thời, mở rộng đối tượng người chưa thành niên có thể bị phạt tiền và mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Về thi hành án phạt tù, dự thảo luật quy định không được giam giữ chung người chưa thành niên với người đã thành niên; người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng. Cán bộ quản giáo phải có trình độ, am hiểu về tâm sinh lý người chưa thành niên hoặc đã từng tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên.
Về mức hình phạt và tổng hợp hình phạt, Chánh án TAND Tối cao cho biết có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần giảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thì không quá 15 năm tù; Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thì không quá 9 năm tù. Trừ trường hợp người chưa thành niên phạm các tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, sản xuất trái phép chất ma túy.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không giảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quy định 4 hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn.
Về các hình phạt, mức hình phạt cao nhất và việc tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành.
Ngoài ra, bà Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ.
Về thi hành án phạt tù, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án hình sự, người chưa thành niên giam giữ chung cơ sở giam giữ với người trưởng thành. Trong dự thảo luật quy định, người chưa thành niên giam giữ ở trại giam riêng.
Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định của dự thảo luật, bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của người chưa thành niên, đặc biệt là bảo đảm tối đa quyền được học tập của người chưa thành niên, hạn chế tác động tiêu cực của việc giam giữ chung trại giam với phạm nhân là người trưởng thành.
Đồng thời, quy định này cũng bảo đảm phù hợp với Quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do. Việc triển khai quy định này có thể phát sinh kinh phí đầu tư ban đầu nhưng hiệu quả mang lại cho người chưa thành niên lớn hơn...
Tách vụ án có người chưa thành niên bị buộc tội để xét xử độc lập Dự thảo luật quy định vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên để giải quyết vụ án độc lập. Các thông tin có liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên không được công khai. Ngoài ra, vụ án hình sự về người chưa thành niên được xét xử trong phòng xử án thân thiện; khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác. |