- Khẳng định phát triển các trường ĐH ngoài công lập là xu thế tất yếu, các chuyên gia cũng kiến nghị cần có giải pháp thiết thực để phát triển hệ thống này.

Phát biểu tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp củng cố phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) Việt Nam do Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức sáng nay, 22/12, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT cũng việc phát triển đại học ngoài công lập vừa có cái lợi, vừa có cái hại, tuy nhiên, do nhu cầu học đại học tăng (xu thế đại chúng hóa), và ngân sách nhà nước hạn hẹp, nên việc tư nhân hóa giáo dục đại học là xu thế tất yếu.

Theo ông Tùng, có 2 dạng hoạt động mang tính tư nhân hóa, xã hội hóa giáo dục đại học. Hướng thứ nhất là phát triển các trường đại học tư thục do các đối tác ngoài công lập đầu tư, và hướng thứ hai là tư nhân hóa hoạt động của các trường công.

Tư nhân hóa hoạt động của các trường công là việc các trường công dịch chuyển từ việc hoạt động chủ yếu dựa trên ngân sách nhà nước sang hoạt động chủ yếu bằng tài chính do tư nhân (người học) đóng góp và các nguồn thu khác từ hoạt động dịch vụ và chuyển giao công nghệ.

"Xu hướng tư nhân hoá cũng có nghĩa là các trường tại khu vực công được khuyến khích (nếu không muốn nói là bắt buộc) giảm phụ thuộc vào đầu tư công để trở nên “doanh nghiệp hoá” hơn, cạnh tranh hơn và chứng minh được hiệu quả quản trị tốt hơn" - ông Tùng phân tích.

{keywords}
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT cho rằng, để phát triển các trường tư cần phải thu hẹp các trường công. Ảnh: Lê Văn.

Phân tích các văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước, ông Tùng cho rằng, Việt Nam đang lựa chọn đi theo hướng thứ 2 là tự chủ hóa các trường công trong khi siết chặt sự phát triển của các trường tư.

Tuy nhiên, theo ông Tùng hướng này cũng không dễ dàng. "Chủ trương chính thức từ 2014, và khởi đầu bằng một trường đại học tự chủ, năm 2015 thêm 11 trường, và đến năm 2016 chỉ được 3 trường. Như vậy, sau 3 năm chưa tới 10% số trường công lập đăng ký hoạt động tự chủ" - ông Tùng phân tích.

Theo ông Tùng, nếu Việt Nam chọn lựa hướng tư nhân hóa các trường công thì cần nhanh chóng tăng số trường và mức độ tự chủ của các trường công.

"Trừ một số trường trọng điểm ưu tiên phát triển, nhà nước cần lên lộ trình giảm dần chi hàng năm để các trường thích nghi dần. Đồng thời cũng cần có chính sách ưu tiên cho các trường tự chủ sớm như đang làm hiện nay" - ông Tùng đề nghị.

Ngoài ra, một chính sách nữa cần thực hiện sớm là nhà nước hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho sinh viên, trước mắt cho một số ngành quan trọng để thêm khuyến khích các trường tự chủ và định hướng nghề nghiệp.

Trong khi đó, nếu như vẫn có ý định phát triển trường đại học tư, thì theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, giải pháp quan trọng nhất là thu hẹp hệ thống trường công.

"Có thể thực hiện theo cách giảm chỉ tiêu các trường công mỗi năm 5% trong 7 năm để tạo thị trường (và qua đó là chất lượng) cho các trường tư" - ông Tùng kiến nghị. "Ngoài ra, cũng cần gỡ bỏ các quy định tài sản chung bất hợp lý và quy định trích quỹ tối thiểu 25%. Và theo kinh nghiệm của ĐH FPT, để tránh xung đột nội bộ, các trường tư nên quản lý theo mô hình một thành viên, tức là có một công ty hoặc một quỹ quản lý toàn bộ vốn của trường".

Không giới hạn phát triển các trường tư

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ GD-ĐT luôn nhất quán là đảy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường thêm các trường ĐH ngoài công lập.

"Chúng tôi chủ trương không cho phép thành lập các trường công lập nữa nhưng nếu trường ĐH tư thục có đầu tư lớn, chất lượng cao và không vì lợi nhuận thì vẫn trình thủ tướng để phê duyệt thành lập chứ không giới hạn" - ông Ga nói.

Ông Ga cũng khẳng định, Bộ GD-ĐT luôn đối xử bình đẳng giữa trường công lập và dân lập, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào. Tuy nhiên, hiện tại, tâm lý xã hội vẫn có sự phân biệt đối xử giữa hai hệ thống này.

"Một số ngành các trường ngoài công lập mở là dư luận phản ứng cho rằng ngành đó các trường dân lập không đào tạo được. Tuy nhiên, dư luận không biết nhiều trường dân lập đầu tư rất tốt, thậm chí đầu tư tốt hơn nhiều so với trường công lập vì vậy không lý do gì họ không được mở ngành theo đúng quy định" - ông Ga nói.

Từ đó, ông Ga cho rằng, dư luận cũng nên công bằng với trường ngoài công lập để các trường này có thể phát triển trong hệ thống các trường đại học nói chung.

{keywords}
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ GD-ĐT không giới hạn sự phát triển của các trường ngoài công lập. Ảnh: Lê Văn.

Giải thích về việc "siết chặt" quản lý đối với các trường ngoài công lập, Thứ trưởng Ga giải thích, trước đây Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2020 đạt tỉ lệ 450 sinh viên/1 vạn dân. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, các trường đại học ngoài công lập được mở ra rất nhiều.

Tuy nhiên, sau đó chúng ta nhận thấy thấy số sinh viên không có nhiều. Số học sinh tốt nghiệp càng ngày càng giảm. Chỉ tiêu 450 sinh viên/1 vạn dân không thể đạt được nên đã được điều chỉnh. Hiện nay, số lượng các trường đại học đã dư, cung đã vượt cầu nên các trường rất khó tuyển sinh.

Đối với vấn đề mô hình để phát triển các trường ngoài công lập, ông Ga tán đồng với ý kiến của ông Lê Trường Tùng, cho rằng, các trường phải có mô hình quản trị 1 thành viên.

"Hiện nay các trường vừa lo đào tạo lại vừa lo phân chia lợi tức tạo nên tình trạng rất phức tạp. Khi có vấn đề xảy ra, Bộ phải xử lý tất cả các vấn đề liên quan tới tài chính, lợi tức trong khi vấn đề của chúng ta là tập trung đào tạo cho tốt" - ông Ga nói.

Ông Ga cho rằng, mô hình quản trị một thành viên không phải mới mà thế giới đã có. Tức là thông qua một công ty hay một tổ chức tài chính nào đó. Tất cả những vấn đề liên quan tới tài chính thì giải quyết ở công ty còn nhiệm vụ của trường thì tập trung vào đào tạo.

Ông Ga cũng khẳng định các việc thực hiện tự chủ ở các trường công cũng là cách để đa dạng hóa các mô hình trường đại học, gúp hệ thống giáo dục phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu học tập của người dân và chất lượng càng ngày càng được nâng cao.

Lê Văn