Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau là mức doanh thu bán hàng, dịch vụ không chịu thuế VAT.
Luật thuế hiện hành đang quy định cụ thể mức doanh thu không chịu thuế VAT là 100 triệu đồng/năm. Còn trong dự thảo luật, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án về diện không chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh.
Phương án 1, hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không chịu thuế VAT. Phương án 2, mức doanh thu tính thuế VAT do Chính phủ quy định. Như vậy, ngưỡng doanh thu tính thuế VAT theo dự thảo là gấp đôi so với quy định hiện nay.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong luật về ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT.
Ý kiến khác đề nghị quy định ngưỡng doanh thu trong luật và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể.
Theo ông Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế VAT là cần thiết và cần được quy định cụ thể trong luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, doanh thu chịu thuế VAT hiện nay là 100 triệu đồng/năm, được tính theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ 2013. Với tăng trưởng kinh tế hiện nay, mức thu bình quân của các hộ kinh doanh đã tăng lên 285 triệu đồng/năm.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm dưới 200 hoặc 300 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế VAT và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức phù hợp.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, mức 200 triệu đồng thì thấp quá, nhưng 300 triệu đồng lại cao quá. “Chúng tôi đề nghị theo hướng ở giữa, 250 triệu đồng trở xuống thì không đánh thuế VAT”, theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tán thành nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên 200 triệu hoặc 300 triệu. “Quy định cụ thể hay quy định một cách linh hoạt đều rất phù hợp”, ông Tuấn nói.
Theo Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo luật), nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm hơn 620.000 hộ, số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 2.630 tỷ đồng.
Nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm hơn 734.000 hộ, số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 6.300 tỷ đồng.
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, cơ quan soạn thảo đề xuất giao Chính phủ quy định cụ thể mức doanh thu chịu thuế của hộ kinh doanh.