Ngày 17/6/2021, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN không chính thức lần thứ 11 (IAMMSTI-11) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Thái Lan Anek Laothamatas. Tham dự hội nghị về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
Tăng cường hợp tác hơn nữa
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực ASEAN.
Trong đó có việc thực hiện Lộ trình Đổi mới sáng tạo ASEAN 2019 - 2025 sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi công nghiệp và nền tảng cho tương lai, nhấn mạnh nỗ lực tăng cường hợp tác khu vực ASEAN hướng tới một tương lai bền vững hơn, đặc biệt là các nội dung về phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn - sinh học, nông nghiệp, năng lượng và các vấn đề liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy và các đại biểu của Bộ KH&CN Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến |
Cũng tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận về hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19.
Theo đó, trên cơ sở Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, các nước đều cam kết cùng nhau đóng góp và quyết tâm thực thi hiệu quả Khung khổ ACRF để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và cuộc sống người dân khu vực ASEAN.
Hội nghị đánh giá cao việc đề xuất thực hiện Dự án nghiên cứu ASEAN về Hệ gen Covid-19 và Nghiên cứu về giám sát huyết thanh học chống Covid-19 trong khu vực ASEAN.
Đồng thời, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập Nền tảng chia sẻ thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu và phát triển liên quan đến Covid-19, trao đổi về chiến lược và kế hoạch ứng phó đại dịch Covid-19 tại các nước thành viên ASEAN.
Thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã chia sẻ thông tin về tình hình ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và đề xuất một số nội dung đẩy mạnh hợp tác ứng phó dịch bệnh trong khu vực ASEAN.
Trong bối cảnh biến thể mới của Covid-19 đang lây lan với tốc độ nhanh chóng, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn ASEAN sẽ thúc đẩy các nỗ lực chung để có các bộ kit xét nghiệm nhanh với giá thành rẻ hơn.
Ông Bùi Thế Duy cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các Dự án nghiên cứu chung về Hệ gen Covid-19, Nghiên cứu về giám sát huyết thanh học chống Covid-19 trong khu vực ASEAN.
Thứ trưởng cũng mong muốn ASEAN sẽ xem xét triển khai các dự án nghiên cứu có quy mô lớn hơn, với sự tham gia tích cực, hiệu quả, cùng đóng góp nguồn lực từ các nước ASEAN như dự án về nghiên cứu vaccine, hộ chiếu vaccine điện tử ASEAN, v.v...
Tập trung vào các hoạt động ưu tiên
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí thông qua danh mục các hoạt động ưu tiên trong năm 2021 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI). Bao gồm:
Thứ nhất, thực hiện các Dự án nâng cao năng lực của ASEAN trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhằm hỗ trợ việc hoạch định chiến lược, chính sách, biện pháp y tế cộng đồng nhằm ngăn chặn, ứng phó dịch bệnh truyền nhiễm và nâng cao hệ thống y tế trong khu vực ASEAN.
Thứ hai, triển khai Chương trình học trực tuyến EU- ASEAN về tính toán hiệu năng cao (HPC) với các nội dung về thiết kế hệ thống HPC, các ứng dụng trong tin sinh học, khoa học khí hậu và tính toán ứng phó thảm họa khẩn cấp.
Thứ ba, thiết lập Trung tâm Quản lý Công nghệ nhằm cung cấp nền tảng trực tuyến toàn diện, đẩy nhanh nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ trong ASEAN thông qua việc tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các khu vực nghiên cứu và doanh nghiệp.
Thứ tư, triển khai các dự án ASEAN nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó có Dự án hợp tác EU-ASEAN với các Hội thảo trực tuyến về Công nghệ xanh nhằm nâng cao nhận thức và tạo nền tảng đối thoại, thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa ASEAN và EU hướng tới sự phát triển bền vững và Sáng kiến Năng lượng Tự cường với các dự án thí điểm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Hội nghị cũng đã xem xét, thông qua Báo cáo của Hội nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN COSTI lần thứ 79 (COSTI-79) do Chủ tịch COSTI Thái Lan trình bày.
Trong đó có một số nội dung quan trọng như: tình hình triển khai các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tình hình hợp tác với các đối tác đối thoại ASEAN và các Quỹ Đối thoại ASEAN; hiện trạng Quỹ hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ASEAN; tình hình triển khai các hoạt động ưu tiên COSTI trong năm 2020, đồng thời, đề xuất các chủ đề ưu tiên trong năm 2021, 2022 và giai đoạn 2022-2025.
Dự kiến, Việt Nam sẽ tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN COSTI vào năm 2022, chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN chính thức lần thứ 19 (AMMST-19) và Hội nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 81 (COST-81) vào Quý II năm 2022 theo hình thức trực tuyến.
Phượng Trần