Bộ GTVT vừa có tờ trình đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý phương tiện cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch. Trong đó, Bộ này để xuất thay đổi cơ quan cấp phép cho phương tiện nước ngoài lưu thông trong lãnh thổ Việt Nam.

Bộ GTVT đề xuất quy định người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam. Có văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam của Bộ Công an cấp.

Đối với phương tiện cơ giới nước ngoài là xe ô tô có tay lái ở bên phải: Có công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam gửi Bộ Công an đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam.

xe biển Lao .jpeg
Bộ GTVT đề xuất chuyển Bộ Công an cấp phép cho xe nước ngoài vào Việt Nam (Ảnh minh hoạ) 

Theo Bộ GTVT, việc này nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế khi tổ chức thực hiện các đoàn caravan của người nước ngoài mang phương tiện vào tham gia giao thông tại Việt Nam với mục đích du lịch. Song song đó, phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được Bộ Công an xây dựng, dự kiến thông qua vào năm 2024 có hiệu lực từ năm 2025.

Các xe vào Việt Nam cũng phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh.

Thời gian phương tiện được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 45 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày.

Khi xe nước ngoài lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam, phải có phương tiện đi trước để hướng dẫn giao thông trong suốt quá trình tham gia giao thông.

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo nghị định này là việc Bộ GTVT đề xuất thay đổi cơ quan thực hiện chấp thuận cho tổ chức khách du lịch mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Bộ GTVT khẳng định, việc chuyển đổi trên không làm tăng biên chế xử lý công việc và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, không phải đầu tư thêm trang thiết bị. 

Đặc biệt, tại văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Công an đã thống nhất tiếp nhận công việc này để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát, tổ chức thuận lợi từ cơ quan của trung ương đến địa phương đối với người và phương tiện nước ngoài vào Việt Nam du lịch.