Ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật Nhà giáo.
Theo đó, Bộ GD-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo, đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.
Ngay lập tức, dự thảo này đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Một số người đồng tình với đề xuất vì cho rằng lâu nay chúng ta xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, cũng nên có những đặc quyền cho giáo viên để động viên tinh thần, giúp họ yên tâm công tác.
Ở chiều ngược lại, một số người lại cho rằng có thể hỗ trợ các nhà giáo khó khăn nhưng đưa vào luật và miễn phí cho 100% con nhà giáo thì chưa hợp lý, bởi giáo viên so với những ngành nghề khác không có gì đặc biệt.
Cô Nguyễn Hương Giang - giáo viên trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Tôi là một giáo viên có con trai học lớp 4 và con gái học lớp 9. Tôi không cần con mình đi học được miễn học phí. Tôi đề xuất nên áp dụng cho những vùng sâu, vùng xa, nơi thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn, còn ở vùng đồng bằng, như tôi vẫn sống tốt với lương và phụ cấp, mặc dù tối cũng tranh thủ bán hàng online.
Hơn nữa, giáo viên có thu nhập ổn định so với công nhân và những ngành nghề lao động phổ thông khác. Chúng tôi cũng có điều kiện đưa đón con học tại trường mình đang dạy và dạy dỗ con tốt hơn nên xin nhường việc hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Về vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng giáo viên nếu có điều kiện thì không nên nhận miễn học phí cho con mình để nhường cho các hoàn cảnh cần hơn.
“Quan điểm của tôi là có thể miễn học phí cho con giáo viên theo cách hỗ trợ các nhà giáo khó khăn không ghi vào Luật. Bởi lẽ, ưu đãi với từng hoàn cảnh cụ thể thì được nhưng đặc quyền chung thì không nên", bà Hà cho hay.
Còn bà Trần Thị Minh Hải - phó hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, đề xuất miễn học phí cho con giáo viên là một chủ trương khá đặc biệt và nhắm đến việc tri ân, hỗ trợ những người làm nghề giáo - một nghề có ý nghĩa quan trọng trong xã hội.
“Bản thân tôi ủng hộ đề xuất này vì nó hướng đến việc động viên tinh thần giáo viên: Giáo viên đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục trong khi lại có mức thu nhập không cao hơn so với những ngành nghề khác. Chính sách miễn học phí cho con họ có thể coi là một sự động viên, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình giáo viên.
Đề xuất này cũng góp phần thu hút nhân lực vào ngành giáo dục, khuyến khích cá nhân giỏi, tâm huyết hơn với nghề giáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
Tuy nhiên, theo bà Hải, có một số vấn đề cần cân nhắc xung quanh đề xuất này như đảm bảo được công bằng xã hội: Một số người có thể đặt câu hỏi về tính công bằng nếu chỉ miễn học phí cho con giáo viên mà không áp dụng cho các ngành nghề khác cũng có mức lương tương tự hoặc đóng góp không nhỏ cho xã hội như y tế, công an, lực lượng vũ trang.
Thứ nữa là cân đối ngân sách: Để thực hiện chính sách này, ngân sách nhà nước sẽ phải phân bổ một khoản chi phí không nhỏ. Điều này có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư khác cho giáo dục, như cơ sở vật chất, công nghệ giảng dạy hay phúc lợi chung cho toàn ngành.
“Tóm lại, tôi ủng hộ đề xuất này, nhưng cũng cần có những nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng về cách thực hiện sao cho hợp lý, không gây mất cân đối ngân sách và đảm bảo công bằng xã hội”, bà Hải khẳng định.