Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam (Make in Viet Nam) là giải thưởng thường niên được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.
Trong đó, Make in Viet Nam là thuật ngữ nhằm truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu và sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Khi thực hiện chiến lược Make in Viet Nam, các doanh nghiệp sẽ phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy huy động trí tuệ Việt Nam, giải quyết được bài toán Việt Nam. Giá trị gia tăng tại Việt Nam vì thế sẽ cao hơn so với việc chỉ đơn thuần là gia công, lắp ráp.
Sau 3 năm tổ chức, Giải thưởng Make in Viet Nam đã được triển khai một cách bài bản, công khai, minh bạch, đảm bảo chất lượng đề ra. Trước nhu cầu đổi mới để tăng tính hấp dẫn, nhiều chuyên gia đã đề xuất cần có tem chứng nhận Make in Viet Nam nhằm tăng độ nhận diện và danh giá của Giải thưởng Make in Viet Nam.
Theo ông Đỗ Huy Bình – CEO Smartlog, đang có hiện tượng nhầm lẫn giữa Giải thưởng Make in Viet Nam với Giải thưởng Sao khuê do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức. Khách hàng của nhiều doanh nghiệp không phân biệt được giữa 2 giải thưởng này, điều đó đã phần nào làm giảm sức tác động của Giải thưởng Make in Viet Nam.
Ông Bình cho rằng, cần phải làm cho Giải thưởng Make in Viet Nam thực sự khác biệt và nổi bật. Các giải thưởng danh giá trên thế giới thường có logo xác thực, ví dụ Forbes 500, Fortune 1.000. Người dùng chỉ cần nhìn vào logo giải thưởng là đã nhận biết được vị thế của doanh nghiệp
“Cần có logo xác thực khi doanh nghiệp lọt vào top 10 Giải thưởng Make in Viet Nam”, ông Bình đề xuất với Bộ TT&TT.
Trong vai trò là một thành viên ban giám khảo Giải thưởng Make in Viet Nam, TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường CNTT và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định đây là giải thưởng chất lượng với các sản phẩm tốt và việc chấm thi vô cùng nghiêm túc.
Cùng có góc nhìn tương tự ông Bình, TS Tạ Hải Tùng cho hay, Make in Viet Nam là một từ khóa rất hay và ý nghĩa. Cách đây 20 năm, nước ta từng có chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao. Người dân khi đi chợ mua sắm chỉ cần nhìn thấy tem là đã có thể yên tâm phần nào về sản phẩm.
“Chúng ta có thể suy nghĩ về câu chuyện có nên dán tem cho sản phẩm Make in Viet Nam hay không. Đơn vị đạt giải sẽ được dán tem đó chẳng hạn. Khi xuất hiện tem này, sẽ có thêm ngày càng nhiều doanh nghiệp hào hứng tham gia Giải thưởng Make in Viet Nam”, TS Tạ Hải Tùng đặt vấn đề.
Theo TS Tạ Hải Tùng, để làm được điều này, cần xác định rõ tiêu chí thế nào là một sản phẩm Make in Viet Nam. Sau khi đã vượt qua vòng đánh giá, các sản phẩm mới bắt đầu “thi đấu” để tìm ra chủ nhân giải thưởng.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Make in Viet Nam cho rằng, Make in Viet Nam là một chủ trương lớn, do vậy, cần phát triển Giải thưởng Make in Viet Nam lên tầm cỡ tương xứng với kỳ vọng. Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Bộ TT&TT nên nghiên cứu để cho ra đời một logo chứng nhận Giải thưởng Make in Viet Nam.