Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, trên thực tế, phần lớn doanh nhân Việt Nam đều làm ăn chân chính, có bản lĩnh vững vàng và giàu sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nhân có hành vi phi đạo đức. Hiện tượng doanh nhân lũng đoạn thị trường chứng khoán, “thổi giá”, bán chui cổ phiếu để thu lời, bất chấp quy định của pháp luật và thiệt hại của người khác vừa qua là ví dụ. Điều này đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của giới doanh nhân Việt Nam.
Do đó, để phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bền vững thì phẩm chất đạo đức cần được đề cao.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, người đời có câu “Gian thương bất nhân”, với hàm ý khinh miệt các hành vi phi đạo đức của một thiểu số người trong giới phú thương. Để xây dựng văn minh kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, cốt lõi đầu tiên cần chú trọng là vấn đề con người.
Cùng với đội ngũ chuyên gia tư vấn kinh tế cao cấp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã soạn thảo và đề xuất 6 quy tắc đạo đức với doanh nhân Việt Nam. Cụ thể, 6 quy tắc đạo đức này gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Những quy tắc này được xây dựng dựa trên nghiên cứu về đạo đức kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới và các nguồn thông tin trong nước.
Trong đó, hai quy tắc đầu là nghĩa vụ cơ bản của doanh nhân để đảm bảo cho tính chính danh và sự tồn tại của doanh nghiệp. Doanh nhân phải góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào trong ngân sách nhà nước và tuân thủ pháp luật.
Hai quy tắc tiếp theo là những chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh, trong điều hành doanh nghiệp và tương tác với các đối tác trong nước cũng như quốc tế. Và hai quy tắc cuối cùng là những phẩm chất cần có trong ứng xử với thiện nhiên, môi trường, với Tổ quốc, xã hội và gia đình.
Đại diện VCCI cho hay, việc công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc trên nhằm hướng tới 3 mục đích lớn là nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao.
VCCI sẽ xây dựng bộ tiêu chí để cụ thể hóa nội dung từng quy tắc đạo đức, từ đó có thể sử dụng như công cụ để các doanh nhân tổ chức thực hiện; cũng như xem xét, đánh giá việc thực hành đạo đức doanh nhân.
Trần Thủy
Phát biểu của Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2025.