- Ông Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng việc tổ chức thi 2017 cần nhìn lại, đánh giá chính xác, khách quan phương án thi của 2 năm trước.

Theo ông Lý phương án thi 2017 đã có điều chỉnh theo hướng tốt hơn cho xã hội, thí sinh như giảm thời gian, chi phí, tạo điệu kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh. Việc này khắc phục được vấn đề dư luận cho rằng không có sự công bằng trong các loại cụm thi. 

Băn khoăn cụm thi sở

Theo ông Lý, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ trong 2 năm vừa qua (2015, 2016) đã có nhiều điều chỉnh theo hướng tốt hơn cho xã hội. Cụ thể, từ 38 cụm thi trên cả nước do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi địa phương do Sở giáo dục chủ trì trong năm 2015,  đến 70 cụm thi ĐH và 50 cụm thi tốt nghiệp trong năm 2016, đã giảm thiểu chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh.

{keywords}
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM

Việc tổ chức 2 loại cụm thi, cụm thi địa phương (2015), cụm thi tốt nghiệp (2016), vẫn có dư luận xã hội cho rằng không sự công bằng trong các loại cụm thi.  

Cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp phát sinh hạn chế, phải huy động lượng cán bộ giáo viên lớn từ các trường ĐH, CĐ, khó khăn trong việc di chuyển và bố trí ăn ở.

Các trường ĐH chủ trì chủ động, bảo đảm lực lượng cán bộ khung, khâu thanh tra kết hợp giữa các bên.

Giải pháp kỹ thuật cho phương án thi 2017 

Ông Lý cho rằng, quy chế và phương án tuyển sinh 2017 là khá tốt, nhưng việc bảo đảm sự hài lòng, bức xúc hay không với khách hàng lại là vấn đề kỹ thuật. Điều này có thể  lên đến 70-80%. Ông Lý đề xuất sáu giải pháp kỹ thuật cho phương án thi 2017.

{keywords}
Thí sinh dự thi THPT quốc gia (Ảnh:Đinh Quang Tuấn)

Về đề thi, thực tế 2 năm qua đề thi được đánh giá phân loại tốt cho cả 2 đối tượng 2 mục đích nên cần phát huy. Nhưng không nên có một môn vừa tự luận vừa trắc nghiệm vì dễ rắc rối không cần thiết ở tất cả các công đoạn coi, chấm, ráp…  

Việc ứng dụng Công nghệ thông tin, hiện tại phần mềm xét tuyển của Bộ được các chuyên gia đánh giá rất tốt, không trục trặc. Năm 2016 khi tăng số điểm truy cập, công bố kết quả chưa thấy trục trặc gì. Việc không tốt chỉ rơi vào cách làm, thao tác kỹ thuật khi các trường chưa có được dữ liệu tổng thể,  cập nhật dữ liệu phối hợp chưa tốt. Do vậy hai công đoạn công bố kết quả và xét tuyển cần cải tiến về mặt kỹ thuật để tốt hơn.

Công bố kết quả nên thực hiện theo cách, các hội đồng thi có kết quả, chờ giờ G do Bộ quy định hoặc thậm chí Bộ quy định khoảng thời gian. Các Hội đồng thi công bố và báo cáo bộ kết quả (qua đĩa CD và dữ liệu trong phần mềm), không phải “đối sánh” khi phải nhận được bản chính trực tiếp như năm trước.

Việc quản lý kết qủa thi, không phải mạng Internet lúc nào cũng đảm bảo về tốc độ, kết nối để các trường có thể làm việc trực tuyến trên hệ thống. Đặc biệt, những lúc số lượng thí sinh đông, cần phải giải quyết kịp thời, phải thực hiện cập nhật dữ liệu offline. Do đó, ngoài hệ thống ĐKXT online, Bộ nên hỗ trợ phần mềm ĐKXT offline.

Về xét tuyển, sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Bộ chỉ sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được gửi đến các trường để tư vấn và cập nhật thường xuyên, hỗ trợ các trường xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường tự cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.

Đối với quản lý dữ liệu kết quả thi, Bộ nên cung cấp cho các trường ĐH-CĐ xét tuyển đầy đủ dữ liệu thi của thí sinh. Bộ có thể cung cấp ở dạng đã được mã hóa và chỉ được truy xuất từ phần mềm chạy offline. Các trường cam kết bảo mật theo quy định. 

Cho thí sinh đăng kí nguyện trong hồ sơ để chống ảo

Theo ông Lý, vấn đề các trường lo lắng nhất trong tuyển sinh là tỷ lệ ảo. Để giảm điều này trong kỳ tuyển sinh 2017, thí sinh có thể ghi 1 nguyện vọng vào 1 trường, với một ngành nào đó trong hồ sơ đăng ký dự thi của thi sinh, xem như đây là nguyện vọng 1.

{keywords}
Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Nếu không đạt nguyện vọng 1, sau đó sẽ đăng ký xét tuyển như là nguyện vọng bổ sung. Trong mỗi đợt bổ sung, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển với 1 nguyện vọng và cứ thế xét tuyển tiếp tục. Việc này vừa phân luồng khá tốt vừa giảm ảo cho các trường xét tuyển.

Cách thứ hai ông Lý đề cập là tích hợp tinh hoa, cái tích cực của 2 kỳ xét tuyển 2015 và 2016.

Theo ông Lý, cái được của kỳ tuyển sinh 2015 là công khai, minh bạch số liệu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển. Cái được của 2016 là lấy hướng nghiệp làm gốc, thí sinh trúng tuyển vào đúng ngành phù hợp nhiều hơn.

Vẫn giữ nguyên thời gian xét tuyển là 12 ngày nhưng chia thành 3 đợt cho 3 mức điểm gồm điểm cao, vừa và thấp như, 4 ngày đầu những thí sinh có điểm >= 25; 4 ngày tiếp theo cho TS >= 20 (<25); 4 ngày còn lại từ sàn - <20”. Thí sinh đăng ký xét tuyển online 100%. Tuy nhiên tại một thời điểm, hồ sơ đăng ký xét tuyển của  thí sinh chỉ được tồn tại trong một trường và một ngành. Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường thì không thể đăng ký xét tuyển vào trường khác. 

Tuy nhiên, để thực hiện theo hình thức này phần mềm phải chuẩn, nhanh và mạnh. Dữ liệu được công khai. Thí sinh biết mình đang ở đâu, các trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, không bức xúc.

Lê Huyền