Các phần nội dung của đề thi Ngữ văn 2024
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi lớp 10 môn Ngữ văn TP.HCM vẫn có 3 phần gồm: Đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học.
Để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 năm nay, học sinh cần rèn luyện năng lực đọc hiểu thông qua việc lựa chọn các văn bản (báo chí, các bài bình luận, các sách khoa học…) có nội phù hợp lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự.
Các em cần luyện tập các kỹ năng đọc hiểu, phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; Tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản; Tập tóm tắt văn bản; Nối kết văn bản đang đọc với văn bản khác liên quan, nối kết với thực tế cuộc sống, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra trong văn bản; Sáng tạo cách thể hiện khác, đề xuất giải pháp, đặt nhan đề mới…
Ở phần viết bài nghị luận xã hội (khoảng 500 chữ), học sinh cần rèn luyện các thao tác lập luận gồm: giải thích, chứng minh, bình luận.
Trong quá trình rèn luyện, học sinh cần tránh các lỗi như thiếu thao tác lập luận (ví dụ thiếu giải thích về vấn đề bàn luận); Vận dụng các thao tác lập luận chưa hiệu quả (dẫn chứng chưa sát với vấn đề, thiếu phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề… ) hoặc chưa rút ra được bài học cho bản thân thông qua việc bàn luận về vấn đề, các ý bàn luận chưa phong phú, chưa sâu sắc, còn sơ sài.
Phần nghị luận văn học, học sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề thi. Trong đó, đề 1 yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa, thay cho năm trước là yêu cầu thí sinh tự chọn một tác phẩm (hoặc đoạn trích) theo yêu cầu của đề. Từ đó, thí sinh chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.
Đề 2 sẽ đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu thí sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.
Học sinh cần ôn tập những gì?
Theo thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giáo viên và học sinh cần xác định về bản chất đề thi không có sự thay đổi mang tính bất ngờ, tạo thêm áp lực cho kì thi.
Thứ nhất, cơ cấu điểm ba phần trong đề thi (đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học) vẫn giữ nguyên không điều chỉnh.
Thứ hai, định hướng kết nối ba phần (đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học) theo trục chủ đề xuyên suốt đã là xu hướng từ các năm qua. Đặt trong xu thế mới của việc dạy học Ngữ văn, khi Chương trình Ngữ văn 2018 và sách giáo khoa tương ứng có nhiều chuyển biến tích cực, có thể thấy Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những bước đón đầu đúng đắn và hợp lý.
Thứ ba, phần Nghị luận Văn học vẫn giữ nguyên việc cho phép học sinh được lựa chọn một trong hai đề, trong đó, đề 2 đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy. Định hướng ra đề mở cũng là một lựa chọn táo bạo, thú vị đã được triển khai từ nhiều năm qua trong đề thi lớp 10.
Riêng đối với thay đổi ở đề 1 của phần Nghị luận Văn học, trên thực tế, định hướng ra đề này đã được triển khai từ năm 2022 trở về trước. Định hướng này không nằm ngoài mục đích giảm áp lực ôn tập cho giáo viên và học sinh, tránh cho giáo viên và các em ôn tập dàn trải, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến kết quả thi.
Theo thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, thay đổi nhỏ như đã nêu trên và những hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho quá trình ôn tập đã được Sở GD-ĐT TP.HCM phổ biến rất rõ và chuyển đến giáo viên các trường.
Thầy Khôi cho rằng trong quá trình học và ôn tập, đại đa số giáo viên đã cung cấp các sơ đồ tư duy, bảng biểu để cô đọng, hệ thống hoá kiến thức Văn học và Tiếng Việt. Trên cơ sở này, với các tác phẩm văn học, học sinh còn có thể chủ động gom lại thành những nhóm nhỏ theo từng chủ đề gần gũi như: Ứng xử với thiên nhiên; Trân trọng người phụ nữ; Mãi xanh màu áo lính; Gia đình yêu dấu; Đất nước trong tôi… Chính những chủ đề này sẽ hỗ trợ các em rất tốt để vừa ôn tập đúng định hướng vừa đáp ứng được yêu cầu phân hoá (liên hệ, so sánh hai tác phẩm) nếu có trong đề 1 của câu Nghị luận văn học trong đề thi.
Học sinh cũng chú ý việc rèn kĩ năng như với phần Đọc hiểu, cần quan tâm đến việc tìm đọc các văn bản thuộc phong cách báo chí, chính luận, khoa học… có nội dung phù hợp với lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự… để luyện tập các kỹ năng phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh… cũng như tìm các vấn đề Tiếng Việt đã học có trong văn bản để tập xử lý tình huống.
Với phần Nghị luận xã hội, học sinh cần rèn luyện nhiều đề để tập xác định đúng vấn đề cần nghị luận, biết cách triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận (giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích), kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động khéo léo, hợp lý, tránh khiên cưỡng, gượng ép, máy móc. Những việc này sẽ giúp tránh được việc bài viết vận dụng các thao tác lập luận chưa hiệu quả (dẫn chứng chưa sát với vấn đề, thiếu phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề…) hoặc chưa rút ra được bài học cho bản thân thông qua việc bàn luận về vấn đề, các ý bàn luận chưa phong phú, chưa sâu sắc, còn sơ sài.
Với phần Nghị luận văn học, học sinh cần rèn luyện kĩ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại: Tự sự, trữ tình; Tập tóm tắt văn bản (với truyện) và xác định chủ đề (với thơ); Nối kết các văn bản văn học với nhau để liên hệ, đối chiếu, nối kết văn bản văn học với thực tế cuộc sống, đưa ra quan điểm cá nhân về những vấn đề xã hội có thể rút ra trong văn bản.
Bên cạnh đó, học sinh cần đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa cùng thể loại và chủ đề với tác phẩm trong sách giáo khoa để có thể so sánh khi cần.
Mặt khác thí sinh phải tăng cường kinh nghiệm giải quyết đề thi. Vì đề thi lớp 10 của TP.HCM mang tính đặc thù và phân hóa cao, học sinh không nên tìm đến những tài liệu ôn tập khái quát hoặc những bài văn mẫu. Học sinh cần đọc những tài liệu cung cấp hệ thống các bài tập rèn kĩ năng (đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội, nghị luận văn học), những đề thi minh hoạ sát cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT để tăng kinh nghiệm, chuẩn bị tâm thế vững vàng để đối diện với đề thi trong thực tế.