- Đề thi môn Ngữ văn lớp 10 THPT chuyên của Hà Nội gồm 2 câu hỏi được thí sinh nhận định là khá thú vị và sâu sắc. Đặc biệt câu hỏi nghị luận xã hội đem lại cho thí sinh bài học phải biết tự lập vươn lên trong cuộc sống.
17h ngày 12/6 thí sinh thi vào lớp 10 THPT chuyên Văn các trường công lập tại Hà Nội đã hoàn tất bài thi môn văn.
Ghi nhận của VietNamNet, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi đã ồ lên chia sẻ với mọi người về những câu hỏi thú vị trong đề thi.
Thí sinh phấn khởi vì làm bài (Ảnh: Văn Chung) |
Huệ Quyên, học sinh Trường THCS Ngọc Thụy (quận Gia Lâm) cho biết: Câu nghị luận xã hội trong đề thi khá hay khi đưa vấn đề trách nhiệm tuổi trẻ và điểm tựa của gia đình để các học sinh bàn.
Câu hỏi yêu cầu thí sinh bàn về sức mạnh của gia đình sẽ nâng đỡ mỗi con người nhưng từng thành viên cũng cần phải biết sống tự lập, vươn lên để mỗi con người tạo thành sức mạnh chung cho tập thể.
Huệ Quyên nói "trong bài em gặp đôi chút khó khăn khi phải móc nối ý nghĩa câu chuyện dễ với trách nhiệm của cá nhân, bản thân mỗi con người." Qua bài làm của mình, Quyên cũng giải thích khái niệm tuổi trẻ là gì, vai trò của tuổi trẻ, thực trạng lối sống của giới trẻ hiện nay và rút ra bài học cho bản thân.
“Có nhiều bạn sinh ra trong gia đình khó khăn nhưng luôn biết phấn đấu vươn lên học giỏi, cống hiến cho xã hội. Họ thực sự là điểm tựa cho gia đình và khiến xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng cũng không ít bạn trẻ được nuông chiều sinh thói học đòi, lêu lổng và trở thành gánh nặng cho gia đình” – Quyên chia sẻ. Với cá nhân, ngoài chuyện cố gắng học tốt, mỗi cá nhân trong gia đình cần quan tâm, yêu thương nhau.
Trong khi đó, Hoài Vy, học sinh Trường THCS Cát Linh lại cho biết câu hỏi nghị luận xã hội em khá dễ viết. Mặc dù mẩu chuyện khá dài nhưng Hoài Vy dựa vào câu nói cuối cùng “Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân chúng ta” để triển khai bài viết về lối sống tự lập, trách nhiệm tuổi trẻ với điểm tựa gia đình.
“Nếu mỗi người biết sống tự lập, đi trên đôi chân của chính mình thì xã hội sẽ tiến bộ, văn minh.” – đó là một trong những ý chính được Hoài Vy đưa vào bài viết.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn lớp 10 THPT chuyên tại Hà Nội năm học 2015-2016: Câu 1 (6 điểm) Trong một lần tâm sự về nghề, nhà văn Bùi Hiển đã rất tâm huyết bày tỏ Khát vọng qua những trang viết: Mỗi truyện ngắn phải là một sự phát hiện bất ngờ về con người. (Theo Nhà văn nói về tác phẩm, NXB Giáo dục2005) Giải thích ngắn gọn ý kiến trên và làm rõ “sự phát triển bất ngờ về con người” ở một truyện ngắn Việt Nam trong chương trình Ngữ văn THCS mà em yêu thích. Câu 2 (4 điểm) Có câu chuyện được tóm lược như sau: Một ngày nọ, ốc sên con hỏi mẹ: - Mẹ ơi! Tại sao chúng ta sinh ra phải đeo cái vỏ vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được! - Vì cơ chế chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh - Ốc sên mẹ nói. - Thế chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh. Sao chị ấy không cần đeo cái vỏ như chúng ta? - Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm. Bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy. - Nhưng mà….em gin đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hóa được.Tại sao em ấy không đeo cái vỏ đó? - Vì em ấy sẽ chui xuống đất và sẽ được lòng đất bảo vệ. Ốc sên con bật khóc - Chúng ta thật đáng thương! Bầu trời không bảo vệ, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta - Thế nên chúng ta mới có cái vỏ! - Ốc sên mẹ an ủi. – Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân chúng ta. (Theo Cửa sổ tâm hồn, NXB Trẻ 2013) Hãy trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện trên và từ đó nêu trách nhiệm của tuổi trẻ với điểm tựa gia đình. |
Văn Chung