ĐỘT PHÁ VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ THANH HÓA PHÁT TRIỂN TRỞ THÀNH CỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI Ở PHÍA BẮC TỔ QUỐC

 

                                                                TS. Đỗ Trọng Hưng,

                                                Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

                                                       Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.

 

Tại kỳ họp thứ Hai diễn ra vào tháng 11-2021 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng, là sự thể chế hóa cao nhất Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững hơn, sớm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Nằm ở cực Bắc Trung bộ, cầu nối giữa Bắc bộ với Trung bộ và là vùng Tây Bắc nối dài, điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế; cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây - Tây Bắc và Đông Bắc Lào; Thanh Hóa là vùng đất chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực và cả nước. Tỉnh có quy mô diện tích tự nhiên đứng thứ 5 cả nước, với trên 11.120 km2, quy mô dân số đứng thứ 3 cả nước, với trên 3,64 triệu người. Thanh Hóa là một trong số ít địa phương trong cả nước hội tụ đủ 03 vùng địa lý (miền núi, đồng bằng và ven biển), có hệ thống giao thông thuận lợi, gồm đầy đủ các loại hình, với nhiều trục tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua. Tỉnh có Khu kinh tế Nghi Sơn[1] gắn với Cảng nước sâu Nghi Sơn và 08 khu công nghiệp, vùng lãnh hải rộng lớn, bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào.

Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, đất đai rộng lớn, Thanh Hóa là vùng đất có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng, một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ, như: Tiền Lê, triều Hồ, triều Hậu Lê và triều Nguyễn; là đất “thang mộc” của các dòng chúa Trịnh, chúa Nguyễn; quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, nhiều chí sĩ, văn nhân nổi tiếng, như: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... Đây chính là những yếu tố thuận lợi để Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một cực tăng trưởng mới, cộng hưởng, lan tỏa, kết nối, thúc đẩy phát triển các tỉnh phía Bắc và cả nước.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; đặc biệt là sau 10 năm (2011-2020) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả nhiều tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng nhanh; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 10,3%/năm (bình quân cả nước 6,4%)[2]. Quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số cơ sở sản xuất, ngành, lĩnh vực có đóng góp lớn cho phát triển của khu vực và cả nước, như: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước; các nhà máy xi măng với tổng công suất 19,5 triệu tấn/năm, chiếm 18% tổng công suất sản xuất xi măng của cả nước; 02 nhà máy nhiệt điện công suất 1.800 MW. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, như: Thu hút khách du lịch, thị trường bán lẻ, thành lập mới doanh nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu ngân sách nhà nước... Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số huyện, xã, thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất; đến nay, đã có 11 đơn vị cấp huyện, 336 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 17,7 tiêu chí nông thôn mới/xã...

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; đô thị phát triển nhanh theo hướng hiện đại. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; việc bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng được quan tâm thực hiện. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được củng cố. Hoạt động đối ngoại, sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh.

Đặc biệt, năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng khá cao; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,85%. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16,93%; giá trị xuất khẩu đạt 5,34 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt trên 35.500 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5%. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đứng thứ 2 cả nước. Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa – xã hội, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt kết quả tích cực; trong năm tỉnh đã tổ chức thành công rất tốt đẹp Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; hoàn thành việc quán triệt, triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; đồng thời, đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng, quy định thí điểm 08 chính sách đặc thù đối với tỉnh Thanh Hóa, cụ thể:

(1) Đối với chính sách về mức dư nợ vay: Tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

(2) Đối với chính sách về để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn: Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn thuế giá trị gia tăng) nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

(3) Đối với chính sách về thu từ xử lý nhà, đất: Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn Tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa.

          (4) Đối với chính sách về phí, lệ phí: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án. Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Tỉnh và không dùng để xác định số bổ sung cân đối ngân sách và số bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho ngân sách Tỉnh. Việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của Tỉnh, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; không gây ra tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ, thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước.

          (5) Đối với chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên: Tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

          (6) Đối với chính sách về quản lý đất đai: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên của tỉnh Thanh Hóa và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa do Thủ tướng Chính phủ quy định.

          (7) Đối với chính sách về quản lý rừng: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa do Thủ tướng Chính phủ quy định.

          (8) Đối với chính sách về quản lý quy hoạch: Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

          Các chính sách này đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, có tính đến đặc thù của địa phương và bảo đảm tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong quá trình thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng tính “đột phá” về cơ chế, chính sách, thúc đẩy Tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn, tạo sự lan tỏa vùng, miền, qua đó từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Trong số 08 chính sách trên, có những chính sách Trung ương bổ sung, hỗ trợ nguồn lực cho địa phương như chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên; để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; thu từ xử lý nhà, đất hoặc tạo dư địa để huy động thêm hay điều tiết nguồn lực xã hội như chính sách về mức dư nợ vay, chính sách phí, lệ phí. Những chính sách này sẽ tạo điều kiện cho Tỉnh có thêm nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động vốn đầy đủ, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn trong giới hạn bội chi ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn, bền vững nợ công. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhất là một số dự án đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm của Tỉnh, Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định một số cơ chế, chính sách để tăng tính phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, rút ngắn thời gian, tăng tính trách nhiệm của địa phương như các chính sách về phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, quy hoạch,...

          Tỉnh Thanh Hóa nhận thức sâu sắc rằng, việc Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho Tỉnh, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu phát triển đối với Thanh Hóa để đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương. Các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội mới là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa, nhưng không tự thân mang lại hiệu quả, vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ thì mới được hưởng thành quả từ chính sách mang lại.

Để đưa nhanh các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội (khóa XV) vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tăng thêm nguồn lực, động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch số 45-KH/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội và các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù; đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm mà các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, để được hưởng thành quả từ chính sách mang lại.

Thứ hai, Tỉnh sẽ chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV, làm cơ sở để tổ chức thực hiện; tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho phù hợp với các cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản cụ thể hóa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để triển khai thực hiện đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, trên cơ sở nội dung 08 chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội; Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, nội dung công việc cụ thể; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị.

Thứ tư, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố được Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách tương đồng như tỉnh Thanh Hóa để triển khai thực hiện hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; lấy Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân,... làm trọng điểm để tăng cường kết nối với các địa phương, nhất là trong xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng;...

Thứ năm, chăm lo làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, mặt trận và các đoàn thể. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa ý thức sâu sắc rằng, xây dựng và phát triển Thanh Hóa trước hết là trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa, song rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; sự liên kết, phối hợp, cộng đồng trách nhiệm của các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh ủy, thành ủy trong vùng Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Tây Bắc để cùng nhau phát triển, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội./.



[1] Khu kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 Khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước, được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2006 (Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ) và được điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 lên 106.000 ha (theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 07-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ).
[2] Giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,1%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,5%; năm 2019 đạt 17,15%, năm 2020 đạt 6,08%.