- Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận có loại nghiên cứu "phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến mức độ nhất định mới ứng dụng được”.

Lần đầu tiên trong 4 nhiệm kỳ, Bộ trưởng KHCN được lựa chọn đăng đàn trả lời chất vấn trước QH. Sáng nay, ông không ngần ngại giải trình các khó khăn, hạn chế của ngành KHCN để có giải pháp khắc phục.

Lãng phí lớn

Thực trạng lãng phí từ các đề tài nghiên cứu KH nghiệm thu rồi xếp ngăn kéo, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã "truy" Bộ trưởng Nguyễn Quân rõ ràng trách nhiệm.

“Cử tri hỏi có phải sản phẩm KHCN của chúng ta nghiệm thu trên bàn là chủ yếu, có phải do đầu tư dàn trải, không đúng chỗ, đúng người, đúng việc, có hay không cơ chế xin - cho? Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề này. Đến bao giờ tình trạng này cơ bản được khắc phục?”, ĐB Cường nêu câu hỏi.

CLIP ĐB NGUYỄN MẠNH CƯỜNG CHẤT VẤN, BỘ TRƯỞNG NGUYỄN QUÂN TRẢ LỜI:

Nhắc lời ĐB nói “đề tài xếp ngăn kéo”, Bộ trưởng KHCN xác nhận rằng ông thường được nghe. Tuy nhiên các đề tài xếp ngăn kéo có 3 loại. Trong đó, loại nghiên cứu cơ bản nhìn chung bị xếp trong ngăn kéo vì "đi trước thời đại", "phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới ứng dụng được”. 

Rồi có loại nghiên cứu ứng dụng xếp ngăn kéo khác vì không có nguồn đầu tư để ứng dụng. Bộ trưởng cũng thừa nhận có đề tài xếp ngăn kéo thật sự do không được nghiên cứu theo thị trường, theo thực tiễn mà nghiên cứu theo "sở thích".

Ông dẫn luật KHCN 2013 quy định sử dụng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu KHCN phải theo đặt hàng xuất phát từ nhu cầu, sản xuất kinh doanh chứ không theo ý thích và ràng buộc rõ địa chỉ ứng dụng sau nghiên cứu. Bộ trưởng hứa trước QH tình trạng đề tài khoa học “xếp ngăn kéo” sẽ chấm dứt nhưng phải phụ thuộc có thực hiện luật nghiêm túc không.

Bấm nút sau nhiều lượt, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn tiếp làm rõ lãng phí lớn trong nghiên cứu khoa học. 

CLIP ĐB NGUYỄN SỸ CƯƠNG CHẤT VẤN, BỘ TRƯỞNG NGUYỄN QUÂN TRẢ LỜI:

“Mỗi bộ hàng năm bỏ ra hàng tỷ đồng nghiên cứu khoa học rồi in ấn đẹp, sau đó xếp tủ không ứng dụng. Có người nói với tôi nghiên cứu khoa học công nghệ là cách kiếm tiền dễ dàng. Bộ trưởng nói luật 2013 khắc phục nhưng nhiều nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội sử dụng tiền tỉ nhưng không mang tác dụng. Vậy những trường hợp nghiên cứu nhưng không ứng dụng, có cách nào để kiểm soát?”, ĐB Cương chất vấn.

Không dám nói không có lãng phí

Tiếp tục dẫn luật KHCN 2013, Bộ trưởng Quân cho rằng cơ chế đặt hàng trong luật mới sẽ hạn chế các đề tài không có tính ứng dụng vì khi đặt hàng sẽ yêu cầu nêu rõ địa chỉ ứng dụng.

Trước lời phàn nàn các hội đồng xét duyệt, thẩm định có yếu tố quen biết, Bộ trưởng cho biết luật mới đã khắc phục bằng xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia nên việc thành lập các hội đồng không phụ thuộc vào một cá nhân hay tổ chức mà dựa vào yếu tố khách quan, ngẫu nhiên. “Không có chuyện hội đồng quanh đi quẩn lại chỉ những gương mặt quen biết”, ông khẳng định.

Bộ trưởng cũng lưu ý quy trình xét duyệt các đề tài hiện nay do các bộ ngành, tỉnh thành đề xuất. Sau đó Bộ có Hội đồng khoa học tư vấn xem xét có cần thiết, có địa chỉ ứng dụng thì mới duyệt để công bố công khai cho các nhà khoa học nghiên cứu. Tất cả các hội đồng thẩm định đều tổ chức khách quan đảm bảo tiêu chí.

Riêng đề tài nghiên cứu khoa học xã hội, Bộ trưởng thừa nhận đề tài nhiều khi chỉ là kiến nghị để đóng góp một cơ chế chính sách nên phải dựa vào các nhà khoa học đủ trình độ đánh giá kết quả.

Bộ trưởng cũng cho biết chế tài quy định rõ các cơ quan chủ trì không tham gia nghiên cứu, cá nhân vi phạm sẽ bị treo bút 3-5 năm. “Như thế đủ để răn đe”, Bộ trưởng Quân nói.

Chưa hài lòng với câu trả lời, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc Bộ trưởng trả lời câu hỏi của ĐB Cương về việc có lãng phí trong KHCN, xử lý ra sao.

“Chúng tôi không dám nói trong không có lãng phí”, Bộ trưởng nói.

Theo ông, hiện NSNN chỉ trích 2% dành KHCN, tương đương 23.000 tỷ đồng nhưng năm nay chỉ có 17.300 tỷ đồng, trong đó  20% dành cho nghiên cứu. Nếu chia con số này cho 2.600 cơ quan nghiên cứu, 40 ngàn cán bộ cả nước thì tỉ lệ rất thấp, đổ đồng mỗi viện chỉ hơn 1 tỉ đồng, rất thấp so với thế giới... Nếu đầu tư không tới ngưỡng rất dễ thất bại”, Bộ trưởng trả lời kèm theo việc so sánh với sự đầu tư cho nghiên cứu KHCN của Mỹ, Nhật…

Chủ tịch QH nghe vậy liền ngắt lời: “Bộ trưởng ơi câu hỏi ngắn thôi mà, có lãng phí không, xử lí như thế nào?” và thẳng thắn cho rằng việc để đề tài xếp ngăn kéo, không ứng dụng, để xảy ra tiêu cực là lãng phí. "Cứ so sánh ta với Mỹ khó lắm. Đi thẳng vào vấn đề mới giải quyết được”.

Đừng để phụ thuộc giống nước ngoài

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) chất vấn việc VN có thể nhập các giống cây trồng, vật nuôi nước ngoài.

{keywords}
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang

“Chúng ta có nhiều giống cây, giống con tốt, thế giới còn tốt hơn nhưng nguồn gen chúng ta hợp với chúng ta hơn nên cần nhập giống về lai tạo giống tốt”, Bộ trưởng đáp và cho biết ông ủng hộ nhập giống nước ngoài năng suất cao, tốt hơn và có cạnh tranh với thế giới.

Ông cũng cho biết Bộ KHCN đã hỗ trợ Bộ NN&PTNT tìm kiếm giống nước ngoài về VN như giống bò Nhật, Úc, cam Mỹ… Theo Bộ trưởng, dùng gen bản địa kết hợp với giống nhập khẩu là việc cần làm. Tuy nhiên quỹ gen làm sao bảo tồn được những giống quý hiếm.

ĐB Trang tiếp tục hỏi: “Tôi đồng ý nhập giống nước ngoài nhưng nhập nhiều quá, sản xuất đại trà giống nước ngoài khiến chúng ta không chủ động nguồn giống và dễ phụ thuộc nước ngoài? Bộ trưởng có trách nhiệm gì trong việc này?”

Bộ trưởng Quân cho biết thông qua quỹ gen hàng năm, Bộ giao các bộ ngành, bảo tồn để bảo tồn giống cây trồng vật nuôi, trên cơ sở nhập khẩu và làm chủ nguồn gen và giống nước ngoài. Theo ông, VN hiện có một số giống tốt nhất là giống thủy sản như cá tầm, cá hồi. Còn một số giống khác VN nghiên cứu nhưng mức độ ứng dụng còn hạn chế do thiếu kinh phí.

“Giống tốt mà chỉ nằm phòng thí nghiệm thì không tạo sản phẩm xã hội. Chúng tôi có phần trách nhiệm chưa đưa được giống nghiên cứu thành sản phẩm xã hội”, Bộ trưởng nói.

Thu Hằng - Minh Thăng - Duy Tiến