Theo tờ Telegraph, tên lửa JASSM-ER của Mỹ có tầm bắn khoảng 900km, gần tương đương với hệ thống tên lửa Taurus mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn từ chối gửi cho Ukraine.
Thông tin Không quân Đức đặt mua 75 tên lửa JASSM-ER được công bố, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay Berlin sẽ đảm bảo năng lực “sẵn sàng chiến tranh" bằng cách tăng mạnh ngân sách và nguồn lực cho quân đội quốc gia (Bundeswehr).
Ngoài ra, động thái của Đức được đưa ra sau khi có những lo ngại về nguy cơ xung đột Nga - NATO có thể bùng nổ trong 5 - 8 năm tới.
Hiện chưa rõ liệu Berlin đặt mua tên lửa của Mỹ cho mục đích dự trữ, hay sử dụng chúng để thay thế cho những tên lửa sắp được gửi tới một quốc gia khác.
Truyền thông Đức trước đó đưa tin, Bộ trưởng Scholz đã đàm phán với Anh về việc tên lửa Taurus được gửi tới Anh, và sau đó London sẽ gửi tên lửa Storm Shadow cho Ukraine. Động thái này sẽ cho phép Đức gián tiếp cung cấp cho Ukraine nhiều tên lửa tầm xa hơn, mà không vi phạm giới hạn đỏ của Thủ tướng Scholz liên quan tới chuyển giao Taurus cho Kiev.
Theo tờ Bild, tên lửa JASSM-ER của Mỹ có thể được sử dụng để thay thế cho kho tên lửa Taurus của Đức.
JASSM-ER là tên lửa hành trình phóng từ trên không trang bị đầu đạn nặng 450kg được tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ phát triển. Không quân Mỹ sử dụng tên lửa này từ năm 2009. Tên lửa cũng đã được gửi cho các lực lượng ở Phần Lan, Ba Lan và Áo. Một biến thể của JASSM-ER lần đầu tiên được triển khai trong chiến đấu là vào năm 2018 tại Syria.
Cũng theo Bild, nếu được gửi đến Đức, tên lửa JASSM-ER sẽ được trang bị cho tiêm kích F-35, đồng thời có thể được quân đội Hà Lan và Nhật Bản triển khai trong tương lai.
Hiện Bộ Quốc phòng Đức chưa đưa ra bình luận về thông tin được tờ Bild công bố.