Sự liên kết quan trọng này có thể hình dung nôm na: doanh nghiệp là đôi mắt và cái đầu, nông dân là những cánh tay.

Ông Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP.HCM (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kể, năm 2004, khi sang Pháp, ông ghé vào một chợ ở vùng nông thôn, thấy rau quả bóng bẩy, to đẹp bèn hỏi người bán hàng: “Những sản phẩm này có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không?” Người bán hàng nhìn ông đầy ngạc nhiên, chẳng nể nang trợn mắt nói to: “Không an toàn, làm sao tôi chúng tôi dám bày ra bán”.

Quay lại câu chuyện nước ta, bên cạnh những thành quả nông nghiệp có được nhờ luồng gió Đổi Mới do Đảng khởi xướng hơn 30 năm trước, ông Khải vẫn ngậm ngùi về một vài điều chưa vui. “Nền nông nghiệp nước ta không chỉ lạc hậu về trình độ phát triển, mà điều nguy hiểm hơn cả sự lạc hậu là nó đang đầu độc toàn dân tộc một cách hợp pháp bằng nông phẩm không an toàn”, ông Khải từng nói thẳng như vậy tại một diễn đàn chính thức.

Cũng chủ đề này, nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát được báo chí dẫn lời tại hội nghị toàn quốc về quản lý chất lượng nông lâm sản (gần 10 năm trước): “Tôi lạnh cả xương sống khi biết hộ dân ở Bình Dương làm chuối chín bằng chất diệt cỏ. Đây không phải là vi phạm mà là tội ác. Không thể tưởng tượng được có người lại đang tâm làm như vậy. Nếu đứa trẻ mới sinh ra ăn phải miếng thịt hay nải chuối độc thì sẽ ra sao".

Thông tin được đăng tải công khai trên khắp các mặt báo cũng cho biết, hàng năm Việt Nam nhập 4.000 loại thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi năm nước ta có 200 nghìn ca ung thư mới, trong đó có 75 nghìn người chết vì ung thư. Người ta tính, có đến 35% nguyên nhân là do thức ăn, trong đó phần lớn là từ thuốc bảo vệ thực vật.

Bởi thế, khi Quốc hội bàn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, có vị đại biểu đã dẫn ra nhiều ví dụ về chuyện thịt lợn có chất cấm, chuối ngâm thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, và cảnh báo: "Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế".

Các cơ quan chức năng, giới truyền thông và chuyên gia ráo riết đi tìm nguyên nhân. Trong nhiều nguyên nhân được “chỉ mặt đặt tên”, người ta tập trung chỉ trích cách làm ăn dựa trên kinh nghiệm xưa cũ, thiếu hiểu biết, không tuân thủ kỷ luật của một bộ phận không nhỏ nông dân đã góp phần làm gia tăng thực phẩm không an toàn. Cùng được thừa hưởng những giá trị của Đổi Mới song với những gì diễn ra ở khu vực nông nghiệp trong chừng mực cho thấy nông dân chưa bắt kịp tiến trình này, nếu không muốn nói là đi sau các thành phần khác với khoảng cách khá xa.

{keywords}
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp

Ông Năm Sáng sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL, cánh đồng 1ha lúa của gia đình ông ở ven xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn (An Giang) thuộc Tứ giác Long Xuyên- một trong hai trung tâm lúa gạo bậc nhất Việt Nam. Ông Năm Sáng rất tin ở kinh nghiệm truyền thống nghề nông hàng trăm năm của gia đình.

Cách xa ông Năm hơn 1000 cây số, gia đình chị Nguyễn Thị Lý ở Thường Tín, một huyện phía Nam Hà Nội chuyên trồng rau hàng hoá, bán cho các khu vực nội thành Hà Nội.

Điểm chung của ông Năm Sáng và chị Lý ở chỗ, họ làm nông dựa trên những kinh nghiệm truyền đời, và không theo bất kỳ một khoá học bài bản nào cả. Họ tin rằng mình là nông dân chính hiệu, nên tự quyết cây gì, bón phân bao nhiêu, thu hoạch lúc nào…

Thực tế này cũng được ông Vũ Trọng Khải xác thực trong một cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, “nông dân của mình hiện nay vẫn làm ăn tuỳ tiện, không theo chuẩn nào cả, họ chỉ làm theo cái đầu của họ. Hôm nay ra đồng thấy có sâu bệnh, là tức tốc ra hỏi lang băm tức mấy người bán thuốc bảo vệ thực vật. Họ bảo gì làm nấy, về phun lấy phun để, chẳng màng tới liều lượng”.

Dành cả cuộc đời gắn bó với ngành nông nghiệp, ông Khải không thôi trăn trở, “điểm yếu chí tử của người làm nghề nông hiện nay là không thích học. Bên cạnh đó, chúng ta đã phạm sai lầm khủng khiếp khi quan niệm cứ ‘bố làm nghề nông, con làm theo đương nhiên cũng trở thành nông dân’. Tự tin với kinh nghiệp cha truyền con nối, với lão nông tri điền cho rằng không cần học bài bản cũng làm được nông dân thì nguy quá.”

Từ thực tế này, đối chiếu với xu thế tiêu dùng hiện nay, ông Khải tin rằng, nếu tiếp tục để một mình người nông dân tự bơi, sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được một nền nông nghiệp công nghệ cao như người đứng đầu Chính phủ qua các nhiệm kỳ liên tục hối thúc các cấp ngành triển khai quyết liệt.

Sự lo lắng của ông Khải cũng chính là mối quan tâm từ các vị lãnh đạo Trung ương cho tới từng bà nội trợ hiện nay – nông sản sạch, hữu cơ. Về nguyên tắc, doanh nghiệp sẽ là đơn vị cung cấp giống, kỹ thuật, công nghệ hướng dẫn cho người dân để tạo ra các sản phẩm sạch, từ đó thu mua và tạo ra vùng sản xuất có chất lượng, giá trị cung cấp cho thị trường.

Bởi, chỉ khi doanh nghiệp tham gia một cách bài bản vào thị trường nông nghiệp, công nghệ canh tác mới thay đổi, an toàn nông sản mới được đảm bảo, và bài toán giá trị sản phẩm cũng như đầu ra được giải quyết tốt hơn.

Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, xem ra, việc cần làm trước nhất là tìm cách kéo doanh nghiệp vào làm nông nghiệp; Nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng liên kết, cùng hỗ trợ lẫn nhau. Mối quan hệ này có thể ví von nôm na: doanh nghiệp là cái đầu, nông dân là những cánh tay.

“Kéo Doanh nghiệp vào làm nông nghiệp là lời giải đúng đắn cho nền nông nghiệp đang bế tắc. Có cái đầu thông thái và những đôi tay thuần thục tất sẽ có thực phẩm sạch”, ông Vũ Trọng Khải đúc kết.

Anh Duy