Làm gì để người có thu nhập thấp “an cư” đang là câu hỏi làm đau đầu chính quyền các thành phố lớn. Tới tháng 6/2015, tại Hà Nội đã có 6 dự án có quyết định chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, trong đó có 5 dự án đang được triển khai thi công. Nhiều dự án trong số này cũng đang liên tục công bố nhận hồ sơ đăng ký mua.
Tuy nhiên, theo thống kê, nguồn cung nhà ở xã hội tại những dự án trên địa bàn TP Hà Nội vào thời điểm tháng 6/2015 mới chỉ đáp ứng được 60-70% so với tổng nhu cầu người dân. Dự báo, trong năm 2015, Hà Nội sẽ hoàn thành khoảng 10.700 căn hộ, so với chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hộ theo Chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP đến năm 2015 vẫn thiếu tới gần 4.800 căn.
Tại buổi làm việc với sở, ngành liên quan về rà soát tiến độ các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội của thành phố, công tác phát triển nhà ở xã hội đã giải quyết nhu cầu về nhà ở cho hơn 9.000 đối tượng có khó khăn về nhà ở.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, công tác phát triển nhà ở xã hội còn một số tồn tại: Một số chủ đầu tư đã được TP chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án, cho phép chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhưng tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư chậm; một số dự án đã đưa vào sử dụng nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, chưa hoàn thành thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê, chưa thành lập Ban quản trị nhà chung cư...
Ở cấp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành liên quan đôn đốc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội đã hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng khẩn trương hoàn thành những thủ tục pháp lý trình cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ theo quy định pháp luật cho khách hàng; kiểm tra xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hợp đồng cho thuê, cho thuê mua, mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, trái quy định của pháp luật về nhà ở.
Nhằm khắc phục những tồn tại trong phát triển nhà ở xã hội, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương tổ chức thẩm định giá bán, giá cho thuê, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng bán nhà và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà theo quy định. Đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu Ban quản trị nhà chung cư theo quy định, trình UBND quận, huyện (nơi có nhà chung cư) quyết định.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân các dự án đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập và thực hiện dự án chậm triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư quá 12 tháng, đề xuất để chủ đầu tư tiếp tục triển khai hoặc giao chủ đầu tư khác có năng lực thực hiện theo quy định.
Xây dựng nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho những người có thu nhập thấp, đội ngũ cán bộ công chức. Sau cuộc “vượt rào” để có được căn nhà ở xã hội, nhiều người lại tiếp tục vào “cuộc đua” để có “sổ đỏ” để mà có thể yên tâm “sống trong nhà của mình”. Lãnh đạo TP quyết tâm, chính sách đã “rộng cửa”. Chuyện bây giờ chỉ là sự “xắn tay” vào cuộc của các cơ quan chức năng!
Theo Diệp Linh (CAND)
Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: [email protected] |