Đề thi cho thí sinh cơ hội thể hiện, dù còn chút băn khoăn

Thầy Võ Kim Bảo - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 - nhận định đề thi gần gũi với thí sinh, không đánh đố, làm khó nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định. Thí sinh đã làm quen với cách ra đề, cấu trúc đề từ các năm trước cũng như được ôn tập nên các em có phản hồi tích cực khi làm bài. 

Với chủ đề “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình”, theo thầy Bảo, thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện kiến thức, suy nghĩ, tình cảm của mình vì đây là một chủ đề gần gũi, thiết thực với các em.

Thầy Bảo cũng cho rằng ngữ liệu của phần đọc hiểu hay, kết hợp cả văn xuôi và thơ nên có nhiều “đất” để khai thác.

"Vừa có câu hỏi về văn xuôi, vừa hỏi đề phần thơ, đây là điểm hay đang chú ý của đề. Với phần này, học sinh với học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt. 

Phần Nghị luận xã hội có tính phân hóa cao. Với “Biết nghĩ bằng con tim”, học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề mà ngược lại, các em chắc chắn có rất nhiều ý tưởng để viết". Tuy nhiên, để đạt được điểm cao (2.5/3.0 trở lên) thì không dễ, đòi hỏi người viết phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải rất sâu sắc".

Ảnh Nguyễn Huế
Thí sinh dự thi lớp 10 năm 2024 tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Với phần Nghị luận văn học, thầy Bảo cho rằng đề bài không gây bất ngờ với phần lớn giáo viên và thí sinh. 

Cụ thể, đề 1, yêu cầu “Phân tích tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha” là một đề rất vừa sức, các yêu cầu phụ cũng rất tường minh, rõ ràng.

"Tôi dự đoán sẽ có nhiều bài viết tốt, có chất lượng về đề bài này. Với một đề bài không quá khó, những bài điểm cao chắc chắn sẽ là những bài thể hiện rõ nét kỹ năng của người viết như: kĩ năng tạo luận điểm, kỹ năng lập luận, phân tích…

Tuy nhiên, chắc chắn nhiều em yếu kỹ năng sẽ khó phân tích vì đây là dạng đề cho phân tích tâm lý, tình cảm của nhân vật. Có em vì không ôn tập kĩ, không thường xuyên rèn luyện sẽ sa đà vào việc kể chuyện thay vì phân tích tâm lí nhân vật.

Đề 2 mở và nhiều sáng tạo. Thí sinh có thể chọn một tác phẩm thơ (hoặc 1 đoạn thơ bất kì) để phân tích. Trong trường hợp không thuộc thơ, thí sinh có thể phân tích đoạn thơ được gợi ý trong đề. Như vậy, đề chú trọng kỹ năng, thực lực làm bài của thí sinh nhiều hơn là bắt học thuộc lòng. Đây là một điểm sáng đáng ghi nhận của đề thi môn Ngữ văn ở TPHCM nhiều năm nay" - thầy Bảo phân tích.

Theo thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân - cũng nhận định nhìn tổng thể, đề thi không quá khó. 

"Đề thi cho học sinh cơ hội để các em thể "bung" hết sự hiểu biết của mình. Học sinh có thể đạt điểm 7 là điều không khó khăn nếu có kỹ năng và ôn luyện tốt" - thầy giáo này nhận định.

"Phần đọc hiểu không mới mẻ, tình yêu biển đảo, quê hương đã ra đề rất nhiều. Cùng với kiến thức thực tế thí sinh sẽ trả lời dễ dàng. Tôi rất mừng vì năm nay chỉ cho 1 văn bản đọc hiểu, phù hợp với dung lượng thời gian, thí sinh có thể xử lý để nhanh gọn trong 15 phút” - thầy Đức Anh nói.

“Ở phần Nghị luận văn học, tôi hơi băn khăn một chút” - thầy Đức Anh chia sẻ thêm. "Đó là đề sẽ khó với thí sinh đã quen với việc trích dẫn sẵn văn bản".

442420939_1220304642482491_4874477972145954053_n.jpg
Thí sinh đã trải qua buổi thi môn Ngữ văn khá nhẹ nhàng. Ảnh Nguyễn Huế

Theo thầy Đức Anh, việc phân tích một nhân vật mà không trích văn bản, không có dẫn chứng nào mà yêu cầu thí sinh phải nhớ dẫn chứng là khó khăn cho các em.

"Đây sẽ là thử thách với thí sinh không thuộc dẫn chứng. Bên cạnh đó, nhiều năm qua Sở ra đề thơ, năm nay ra truyện cũng là một bất ngờ. Thí sinh chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức, kỹ năng sẽ xử lý tốt, nhưng bị hạn chế về thời gian. 

Đề số 2 so với mọi năm là tương đối nhẹ nhàng. Độ khó của 2 đề không chênh lệch và cũng rộng cửa cho thí sinh diễn đạt tốt thoát ra khỏi chương trình, lề luật". 

Những điều "người ra đề thực sự đã làm được"

Trong khi đó, thầy Võ Minh Nghĩa - giáo viên Trường THPT Nguyễn Du - nhìn nhận về cấu trúc, đề thi đảm bảo đúng cấu trúc đã được Sở thông báo trước đó. Các câu hỏi rõ ràng, câu lệnh dễ hiểu để học sinh tư duy và trả lời.

"Về nội dung, câu đọc hiểu mang tính ứng dụng, khai thác lối trả lời ngắn, kích hoạt được tư duy đọc và xử lý ngữ liệu. Nghị luận xã hội là câu hỏi để phân loại học sinh rất rõ ràng trong khuôn khổ một kỳ thi tuyển. Học sinh cần phải hiểu một cách thấu đáo vấn đề giữa “suy nghĩ bằng khối óc” và “suy nghĩ bằng con tim”. Dạng đề này yêu cầu sự tư duy cao trong việc hiểu và đưa ra quan điểm của mình" - thầy Nghĩa nhận xét.

Phần Nghị luận văn học, ở đề 1, thầy Nghĩa cho rằng có mức độ phân hóa cao khi đề thi không cung cấp dữ liệu về thông tin văn bản. Học sinh viết bài phải dựa trên sự hiểu của bản thân trong quá trình học tập và cảm nhận trước đó.

Đề 2 là hướng mở trong kỳ thi năm nay, khi học sinh được phép lựa chọn một đoạn hay bài thơ mà mình thích. Nhưng cái hay nằm ở việc lệnh đề được đặt vào một tình huống yêu cầu trước hết, học sinh phải hiểu đề rồi mới chọn tác phẩm để phân tích.

"Đề thi này là sự khép lại của kỳ thi tuyển sinh 10 theo chương trình cũ. Đề vẫn giữ truyền thống 15 năm qua trong việc luôn hướng học sinh đến sự tư duy để làm bài, giàu tính giáo dục, hướng các em về lối sống tử tế ở cuộc đời" - thầy giáo Ngữ văn này nhận định.

“Một đề thi tốt và đậm tính nhân văn” cũng là nhận định của ThS Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Thầy Khôi đánh giá chủ đề “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình” xuyên suốt 3 phần trong đề đã khơi gợi trong học sinh sự trân quý dành cho những người đang lặng thầm, bền bỉ bám đảo bám biển để giữ gìn chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước.

"Chủ đề này chỉ rõ cho các em sự phân biệt giữa cái nhìn tích cực trìu mến, chủ động và cái nhìn cảm tính, mơ hồ thiên khiến dễ bị lôi kéo đang là một vấn đề nóng trong xã hội hiện nay. Các em được hướng tìm về với gia đình yêu thương, giá trị đích thực của văn chương. 

Nhìn chung, đề thi dù phân hóa tốt song cấu trúc theo trục chủ đề được giữ ổn định, định dạng các câu hỏi quen thuộc, ngữ liệu đọc hiểu và tác phẩm ở phần nghị luận văn học gần gũi. Đây thực sự là những vấn đề, những tác phẩm giá trị, phù hợp với đặc điểm nhận thức, tâm lý của lứa tuổi. Đó chính là sự trân trọng, nâng đỡ đầy nhân văn dành cho học sinh mà người ra đề thực sự đã làm được" - thầy Khôi bình luận.

>>>Tra điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 nhanh và chính xác<<<