Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 972 ngày 13/7/2015 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các tội danh liên quan đến lĩnh vực CNTT & TT vào chiều ngày 21/8/2015, cuộc Hội thảo có nhiều lãnh đạo Cục, Vụ của Bộ và một số đơn vị chuyên trách tham gia, do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì.
Thứ trưởng cho rằng, từ lần sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự mới đây vào năm 2009, Việt Nam đã có nhiều thay đổi, chúng ta ký rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, hội nhập quốc tế sâu rộng, ràng buộc chặt chẽ, đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết, trong đó có vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm, do đó việc đóng góp nội dung cho dự thảo là rất quan trọng.
Trong lĩnh vực như viễn thông, tần số, Internet cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp, thống nhất với các quy định.
Ông Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT), cho biết, trong dự thảo lần này, sẽ làm rõ thêm vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, xuất phát từ vi phạm pháp luật của pháp nhân ở Việt Nam gần đây mang tính phổ biến, với tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Đối với trách nhiệm pháp nhân, có thêm nhiều biện pháp xử phạt, từ phạt tiền, đình chỉ hoạt động, tịch thu giấy phép tạm thời, vĩnh viễn, cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm, đấy là những chế tài mạnh.
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, có một số điểm mới liên quan đến việc phạm tội trong lĩnh vực CNTT & TT như điều 294: Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; tội truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức cá nhân chiếm đoạt tài sản; tội thiết lập, quản trị, điều hành website để kinh doanh trái phép tiền điện tử, dịch vụ, hàng hoá trên mạng máy tính... với chế tài xử phạt nặng nhất là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt tù từ 3 tháng đến 12 năm.
Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi điều 155 – tội vu khống, theo đó, sẽ tăng mức xử phạt đối với tội vu khống có yếu tố: “sử dụng máy tính hoặc mạng Internet để phạm tội”. Đề nghị sửa đổi này xuất phát từ việc môi trường Internet thay đổi mạnh trong thời gian gần đây, trong đó có những vụ thông tin sai sự thật bị đưa lên mạng Internet với sức lan truyền mạnh mẽ, gây ảnh hưởng đến đối tượng bị hại và xã hội. Hiện chế tài xử phạt cho tội này là phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Chế tài mới cho tội vu khống có tình tiết sử dụng Internet để phạm tội sẽ được cân nhắc và bố sung, trong bản hoàn thiện dự thảo.
Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị sửa đổi khoản đ điều 158, theo đó cần có chế tài xử lý đối với việc sử dụng Internet để tiết lộ thông tin cá nhân của người khác, do thời gian gần đây đang xuất hiện việc buôn bán thông tin cá nhân để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, liên quan đến lừa đảo, quảng cáo, tin nhắn rác, gây thiệt hại cho người dùng và mất an ninh trật tự.
Các đại biểu dự buổi hội thảo còn đề nghị việc nghiên cứu, xem xét để các tội phạm liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông được bổ sung phù hợp, thống nhất.
Ý kiến các đại biểu sẽ được tổng hợp và gửi báo cáo góp ý về Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) trước ngày 31/8/2015. Sau khi tổng hợp, bổ sung, dự thảo được hoàn chỉnh và trình Quốc hội trong thời gian tới.
Mặc dù có xuất hiện chưa lâu, nhưng tội phạm sử dụng công nghệ cao rất tinh vi và đang gây ra nhiều thiệt hại cho các vấn đề về an ninh, kinh tế, chính trị xã hội, cụ thể một số vụ tiêu biểu từ đầu năm 2015 đến nay như sau:
Trong ngày 3/2/2015, đội Thương mại điện tử - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) công bố việc triệt phá đường dây lừa đảo, thông qua việc giả mạo trang web của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước như Viettel, MobiFone, VinaPhone để dụ người dùng nạp tiền.
Đội Thương mại điện tử đã phối hợp với đội Trọng án 1 – phòng PC45 – công an Hà Nội xác định 5 đối tượng liên quan, làm rõ việc lập 10 website giả mạo, chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của hàng chục nghìn bị hại.
Ngày 25/6/2015, TAND TP.HCM tuyên phạt Dương Ngọc (44 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) 12 năm tù, Lê Văn Ngôn (43 tuổi, ngụ Q.8) 7 năm tù, Lưu Quang Vinh (31 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng. Thủ đoạn của nhóm này là gọi điện thoại đến “con mồi” đe doạ việc nợ cước, đòi “con mồi” phải gửi tiền vào tài khoản do chúng lập ra để xác minh và sau đó thì chiếm đoạt số tiền của họ. Trong vụ án này, có có đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) là Hsu Li –Tsung tham gia.
Ngày 14/7, Toà án ở Mỹ kết án 13 năm tù đối với Ngô Minh Hiếu (25 tuổi, người Việt Nam) về việc ăn cắp thông tin cá nhân của hơn 200 triệu người và thu lợi bất chính 2 triệu USD. Điều này cho thấy, trình độ của tội phạm mạng Việt Nam cũng có “số má” trên thế giới, chưa kể những nguy cơ bảo mật đến từ các loại tội phạm công nghệ cao bên ngoài khác.
Ngày 29/7, bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội tuyên phạt Phạm Quang Hiếu (17 tuổi, Hải Phòng) 2 năm tù; Ngô Xuân Long (16 tuổi, Hải Phòng) 1 năm tù về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản. Cả hai đã dùng các tài khoản Facebook giả mạo, giả lập website nạp tiền điện thoại, chiếm đoạt số tiền khoảng 250 triệu đồng từ nhiều người dùng.