- ĐBQH đề nghị cần nghiên cứu quy định về việc sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ được người dân dùng vào mục đích văn hoá.
Vấn đề này được Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nêu tại phiên thảo luận về dự thảo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều nay tại QH.
Ông Giàng A Chu bày tỏ băn khoăn khi thấy trong các trường hợp được dự thảo luật cho phép nổ súng không có trường hợp đặc biệt này.
ĐB Giàng A Chu |
Theo ĐB Chu, thực tế trong đời sống, đồng bào dân tộc miền núi còn sử dụng tiếng nổ trong phong tục tập quán. Ông lấy ví dụ trong đám hiếu của người có uy tín hay khi có việc lớn thì người dân hay dùng tiếng súng để báo.
"Nếu chúng ta quy định như vậy, nay mai nếu già làng trưởng bản yêu cầu dùng tiếng súng để báo trong đám hiếu, đám tang thì sau đó có khi cả gia đình mấy chục người đi tù hết. Quy định như vậy không ổn", ĐB Giàng A Chu nói.
ĐB Giàng A Chu đề nghị QH đưa 1 điều khoản về việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ vì mục đích văn hóa và quy định cụ thể đối tượng được sử dụng như công an viên, dân quân tự vệ... và chịu trách nhiệm về sự an toàn, thực hiện xong phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho biết, đồng bào băn khoăn về việc sử dụng vũ khí thô sơ trong hoạt động văn hoá được cho là vi phạm pháp luật.
Giơ biển tranh luận, ủy viên thường trực UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án luật, vấn đề này được tính toán, trao đổi kỹ.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng |
Theo ông, nước ta với nhiều dân tộc có những phong tục tập quán tốt đẹp cần giữ gìn và phát triển, tuy nhiên, cũng có những tập tục cần thay đổi cho phù hợp. Tất nhiên sự thay đổi đó có ảnh hưởng đến lợi ích của một nhóm người dân nhưng cần chấp nhận vì lợi ích lớn hơn.
“Cách đây 20 năm tiếng pháo báo hiệu mùa Xuân tới, ăn sâu vào truyền thống nhưng vì đảm bảo an ninh trật tự nên ta đã cấm. Lúc đầu có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có thể thấy chỉ thị của Thủ tướng đã thực sự đi vào cuộc sống, đóng góp rất lớn vào đảm bảo an ninh trật tự”, ông Hồng dẫn chứng.
Ông đề nghị quan tâm vận động đồng bào thực hiện quy định mới của luật, cũng như tạo ra cách thức nào đấy phù hợp với phong tục của đồng bào dân tộc.
Liên quan đến quy định cấm, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đối với vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo, do tính chất đặc thù văn hóa, phong tục tập quán vùng miền và của đồng bào dân tộc thiểu số, một số loại vũ khí thô sơ là tài sản văn hóa, tâm linh của đồng bào thì quy định cấm sở hữu đối với loại vũ khí này sẽ không bảo đảm tính khả thi và không được sự đồng thuận của nhân dân.
“Vì vậy, dự thảo luật không cấm cá nhân sở hữu đối với vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo nhưng phải thực hiện việc khai báo để quản lý theo quy định tại điều 31 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý”, ông Việt nói.
Đề xuất cảnh vệ có quyền nổ súng tiêu diệt đối tượng
Dự thảo luật nêu: Cảnh vệ được nổ súng để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ...
'Vụ nổ súng ở Thái Bình cho thấy đất đai phức tạp'
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu chiều 12/9 về dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã dẫn thời sự vụ nổ súng ở Thái Bình như ví dụ cho thấy tình hình đất đai phức tạp, nhất là thu hồi đất, đền bù.
Thượng tướng Lê Quý Vương: Có tình huống buộc phải nổ súng
Dẫn thực tế có đối tượng được trang bị nhiều súng, lựu đạn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, phải căn cứ tình huống, mức độ để quyết định nổ súng.
Hương Quỳnh