Theo quan điểm của đại diện VKS, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm là người có vai trò cao nhất.
Bị cáo có nhiều thành tích, thái độ ăn năn hối hận, không hưởng bất cứ lợi ích gì cho bản thân và được nhiều cá nhân, đơn vị có đơn xin giảm nhẹ tội. Bị cáo Cảm không có tình tiết tăng nặng, có 3 tình tiết giảm nhẹ.
Theo đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã chỉ đạo cán bộ nhân viên dưới quyền thực hiện hành vi trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Sự chỉ đạo của cựu Giám đốc CDC Hà Nội đã khiến các bị cáo dưới quyền có hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi phạm tội của bị cáo Cảm bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên án 10 năm tù là có căn cứ, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm |
Mức án này cũng có tác dụng phòng ngừa chung và cũng là mức thấp nhất của khung hình phạt.
Dù bị cáo được nhiều người có đơn xin giảm nhẹ tội nhưng đại diện VKS nhận thấy, hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm dành cho bị cáo là đúng người, đúng tội, không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ thêm hình phạt.
Đối với bị cáo Đào Thế Vinh (cựu Giám đốc Công ty MST), đại diện VKS cho rằng, bị cáo này đã ăn năn hối cải, nhân thân tốt, mức án mà HĐXX cấp sơ thẩm tuyên bị cáo đã áp dụng xử phạt dưới khung hình phạt.
Mức án này là phù hợp, có căn cứ, hơn nữa bị cáo không xuất trình được thêm tình tiết gì mới.
Theo quan điểm của đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung (cựu Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội) có thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải.
Hai bị cáo có vai trò đồng phạm, không vì động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi ích vật chất gì cho bản thân... Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 02 của Hội đồng thẩm phán, đại diện VKS khẳng định, việc bị cáo Quỳnh xin được hưởng án treo là không đủ điều kiện giải quyết.
Vì các lẽ trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ tội của các bị cáo và đề nghị giảm nhẹ tội cho các bị cáo của CDC Hà Nội.
Đề nghị xem xét giữa công và tội
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, luật sư Trần Thị Ngọc Hiếu đưa ra quan điểm: Đặt hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu thầu của bị cáo Cảm và đồng phạm trong bức tranh tổng thể, khi dịch bệnh ập đến phức tạp, khó lường, không tránh khỏi sự lúng túng trong chỉ đạo thực hiện công tác chống dịch của đội ngũ y tế tuyến đầu, dễ dẫn đến sai sót, vi phạm pháp luật.
Các luật sư tại tòa |
Theo luật sư, giữa công và tội cần được xem xét, cân nhắc cẩn trọng để đảm bảo tính nghiêm minh, vừa đảm bảo tính nhân văn, khoan hồng khi xét xử.
Bản án sơ thẩm nhận định các bị cáo trong vụ án này lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội là không phù hợp, chưa xem xét đến điều kiện, hoàn cảnh dịch giã lúc bấy giờ.
Đồng bào chữa cho bị cáo Cảm, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng, có sai về quy trình mua sắm thiết bị, nhưng lại đáp ứng được nhu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Máy xét nghiệm Covid -19 được CDC Hà Nội mua cho đến nay vẫn đang phát huy tác dụng.
Theo luật sư, việc vi phạm trong việc mua sắm thiết bị của cựu Giám đốc CDC Hà Nội thuộc trường hợp cấp thiết, hoàn cảnh phạm tội là buộc phải làm điều này để có máy nhanh. Đây là tình tiết giảm nhẹ mà tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét.
Ông Nguyễn Nhật Cảm mong được tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho người dân thủ đô
Trả lời thẩm vấn tại tòa, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bày tỏ mong muốn được tiếp tục bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân thủ đô.
T.Nhung