Mỗi khi có lễ hội, người Sán Chỉ ở huyện Tiên Yên lại nô nức kéo nhau về hát soóng cọ giao lưu.
Người Sán Chỉ huyện Tiên Yên sống tập trung ở xã Đại Dực, rải rác ở một số nơi khác trong huyện. Họ rất say mê ca hát và không ít người hát được soóng cọ của dân tộc mình. Soóng cọ là phát âm theo tiếng của người Sán Chỉ, có nghĩa là ca hát, hát xướng, giao duyên. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian nhằm thể hiện và giao lưu tình cảm giữa các nhóm cộng đồng Sán Chỉ.
Soóng cọ theo tiếng Sán Chỉ nghĩa là hát ca. Tục hát soóng cọ diễn ra quanh năm, bất cứ khi nào có dịp, với nhiều dạng thể hiện như hát chúc tết, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, hát trao đổi tâm tình, giao duyên. Đó là cách hát đối gồm một bên nam, một bên nữ đối diện và có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Đây cũng là dịp để các đôi nam thanh, nữ tú kết bạn và tỏ tình cùng nhau, gửi gắm những tâm sự. Bên cạnh đó, họ còn truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống.
Hát soóng cọ là một hình thức diễn xướng dân gian. Phần ca từ bao gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng), giống như hát Sli-lượn của các dân tộc Tày, Nùng hay hát ví của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua lối hát soóng cọ, người hát có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau; thể hiện tình cảm tâm tư của mình đến với người mình yêu, răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế…
Để làn điệu soóng cọ được bảo tồn, lưu giữ và phát triển, Trung tâm TT-VH Bình Liêu đã phối hợp với Trường THCS Húc Động mở lớp truyền dạy và thực hành hát “soóng cọ” cho học sinh. Đến nay, đã mở được 2 lớp, mỗi lớp hơn 40 học sinh, thời gian học 3 tháng, học vào các ngày từ thứ sáu đến chủ nhật hằng tuần. Tham gia truyền dạy là các nghệ nhân người Sán Chỉ đã có bề dày kinh nghiệm về hát soóng cọ, như nghệ nhân Trạc A Thìn, Nình Thị Cọm, Trần Thị Phấu...
Sau khóa học, các em đã thể hiện được làn điệu soóng cọ để đưa vào các hoạt động ở trường và tham gia các hoạt động chung của xã. Ngoài ra, Trung tâm TT-VH huyện còn mời các nghệ nhân truyền dạy và thực hành thổi kèn lá rứa rừng, nhảy tắc xình, đệm sáo trúc cho làn điệu soóng cọ, nhằm khôi phục lại văn hóa vốn có lâu nay của người Sán Chỉ đang bị mai một.
Huyện Bình Liêu đã và đang quan tâm, tạo điều kiện cho việc bảo tồn, truyền dạy và giới thiệu sự hấp dẫn của soóng cọ, khai thác các điểm nhấn cho phát triển du lịch. Đồng thời, bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, bản sắc riêng của người Sán Chỉ một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa tại huyện Bình Liêu, nhằm góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Đặc biệt, Ngày 29/6/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU; tiếp đó, ngày 15/9/2016, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1412/KH-UBND về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu. Điều đó cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được huyện hết sức coi trọng.
Yên Minh