Dễ mắc lỗi
Ngày 21/7, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Công văn lưu ý, trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh.
Điều này nhằm khắc phục tình trạng các em chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Tuy vậy, để ra đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn 10 lấy ngữ liệu thơ ngoài chương trình sách giáo khoa đang khiến nhiều giáo viên gặp không ít khó khăn vì nguồn không có sẵn.
Theo dõi trên các diễn đàn, tôi thấy đề mắc nhiều lỗi, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm bài.
Cụ thể, đề cho ngữ liệu là một đoạn thơ nhưng chú nguồn nhầm lẫn. Ví dụ, đề yêu cầu phân tích một đoạn thơ trong bài “Bài học đầu đời cho con” (Đỗ Trung Quân) nhưng lại có câu kết “Sẽ không lớn nổi thành người”. Trong nguyên tác bài thơ, không có câu này mà do nhạc sĩ Giáp Văn Thạch khi phổ nhạc thành bài “Quê hương” thêm vào.
Rồi đề không có chú thích tác giả, tác phẩm và một số từ ngữ khó. Ví dụ, đề cho bài “Chiều xuân” nhưng không chú thích tác giả Anh Thơ, tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh nào. Một số từ ngữ có thể học sinh ở phía Nam không hiểu được, thường thấy ở làng quê Bắc Bộ như “mưa đổ bụi”, “chòm xoan”.
Có đề cho ngữ liệu thơ và thiết kế 8 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, song cho mỗi câu 0,5 điểm (tổng 4 điểm) là quá cao, học sinh chỉ cần đánh “lụi” đúng phương án là dễ dàng lấy điểm.
Hơn nữa, văn chương là nghệ thuật ngôn từ, mỗi học sinh sẽ có một cách cảm nhận khác nhau về nội dung, nghệ thuật bài thơ. Rất khó để áp một số phương án theo kiểu A, B, C, D cho sẵn.
Nhiều giáo viên cho biết, thơ ca Việt Nam rất phong phú, đa dạng nhưng không dễ chọn được một bài phù hợp cho học sinh làm bài kiểm tra. Một số bài thơ hay thì khó truy nguồn (bài thơ in ở đâu, đăng báo nào) nên thầy cô e dè đưa vào đề kiểm tra.
Nên cho học sinh viết nghị luận xã hội
Về phần kiến thức ngữ văn, sách giáo khoa chỉ cung cấp một số phạm vi kiến thức ít ỏi, đó là: chủ thể trữ tình; vần và nhịp; từ ngữ, hình ảnh trong thơ. Yêu cầu học sinh phải viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ là quá sức với các em.
Tôi lấy ví dụ, yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận bài thơ “Cảnh ngày hè” của nhà thơ Nguyễn Trãi thì giáo viên cần dạy kĩ về tác giả và sự nghiệp thơ văn của ông, trong đó cần làm nổi bật, Nguyễn Trãi là một bậc anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có nhưng lại phải chịu những oan khiên dưới thời phong kiến. Ông là nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn hóa, văn học dân tộc.
Nếu đề kiểm tra chỉ cho văn bản thơ thì học sinh viết bài chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa. Thậm chí nhiều em không thể phân tích được vì không hiểu các từ ngữ: “rồi” (rảnh rỗi), “hòe”, “thạch lựu”, “hồng liên” (các loài hoa), “tịch dương” (chiều tà) hay điển tích điển cố “Ngu cầm” (cây đàn của vua Nghiêu vua Thuấn, thời cổ đại Trung Quốc).
Học sinh cần được cung cấp một số kiến thức lí luận văn học nhất định thì mới có khả năng phân tích, cảm nhận thơ.
Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT nên quy định hình thức kiểm tra, đánh giá đối với môn Ngữ văn bằng cách viết bài nghị luận xã hội. Chẳng hạn, yêu cầu học sinh viết bài luận 500 chữ, 1.200 chữ cho bài kiểm tra, bài thi thì việc học môn Ngữ văn sẽ nhẹ nhàng, thiết thực và hiệu quả hơn rất nhiều.
Cao Nguyên