Múa Khèn- bản sắc Mông
Nói đến văn hóa của dân tộc Mông, người ta thường nhớ đến đầu tiên là bộ trang phục, nhất là bộ trang phục của phụ nữ, với màu sắc rực rỡ, hoa văn phong phú, nổi bật.
Nói đến văn hóa của dân tộc Mông, người ta còn nhớ đến những lễ hội, như Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Nào sồng (lễ ăn ước hay ăn hội), Lễ cúng thổ thần, Bàn bạc công việc của bản và bầu “hội đầu” mới.
Nói đến văn hóa của dân tộc Mông, không thể thiếu vắng tiếng khèn, điệu múa của các chàng trai, cô gái. Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, nhiều dân tộc có khèn nhưng khèn Mông có nét độc đáo riêng biệt, góp phần quan trọng làm nên bản sắc Mông.
Trong đồng bào dân tộc Mông, khèn là nhạc cụ bí truyền. Nghệ nhân múa khèn với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình,...
Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn,... còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám ma để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới,… Tiếng khèn vui khiến người nghe có cảm giác hưng phấn, rạo rực, nhưng tiếng khèn buồn có thể khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông
Đã thành thông lệ, hàng năm Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc là một trong những sự kiện được mong đợi.
Năm ngoái, sau 2 năm dịch bệnh, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tổ chức tại tỉnh Lai Châu- nơi có đông đồng bào dân tộc Mông Sinh sống tổ chức với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang chủ động thực hiện trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ngày hội được tổ chức sẽ đem lại những giá trị tinh thần, lan tỏa thông điệp tích cực, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sự tham gia của 11 đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Mông đến từ 11 tỉnh trên cả nước.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III được tổ chức ngay sau khi Hội nghị văn hóa toàn quốc thành công rất tốt đẹp, là việc làm cụ thể, thiết thực triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021, nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược văn hóa đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, góp phần chấn hưng nền văn hóa nước nhà.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Ngày hội là dịp để đồng bào các dân tộc thiếu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng, thông qua lời ca tiếng hát, điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo,… để bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin tưởng và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Qua đó, đề cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
“Trân trọng đề nghị đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng phải coi việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc là yếu tố tự thân, gìn giữ cho mình; Nhà nước và xã hội hỗ trợ giúp đỡ chứ không thể làm thay cho chúng ta được, vì đồng bào vừa là chủ thể sáng tạo ra các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc mình, vừa là người thụ hưởng để nâng cao đời sống tinh thần. Mặt khác văn hóa có tính cộng đồng nên phải cùng nhau giữ gìn thì mới có kết quả tốt, mỗi người tự làm thì sẽ rời rạc, không có sức mạnh, khó thành công”. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ.
Huy Linh, Văn Bắc, Thục Anh, Bạch Hân