Năm 2024, chủ đề của Ngày Trái đất trên toàn cầu có tên "Planet vs Plastic" (Hành tinh chống lại Nhựa), đặt mục tiêu giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040.

Theo Earthday.org, hơn 500 tỉ túi nhựa - một triệu túi mỗi phút - được sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2023. Nhiều túi nhựa chỉ được sử dụng trong vài phút, nhưng đã lưu lại suốt hàng thế kỷ. Ngay cả sau khi phân hủy, nhựa vẫn tồn tại dưới dạng vi nhựa, len lỏi vào mọi ngóc ngách của sự sống trên hành tinh.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng (là ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và túi nylon gây ra), tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học.

Để đạt được mục tiêu giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040 trang Earthday.org nhấn mạnh vào 4 yếu tố:

Một là, nâng cao nhận thức rộng rãi của công chúng về tác hại do nhựa gây ra đối với con người, động vật và đa dạng sinh học, tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về ý nghĩa sức khỏe liên quan đến nhựa, thậm chí tiết lộ bất kỳ và tất cả thông tin liên quan đến tác động của nhựa cho cộng đồng được biết.

Hai là, loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2030 và đạt được cam kết loại bỏ dần này trong Hiệp ước Liên hợp quốc về Ô nhiễm nhựa vào năm 2024.

Ba là, yêu cầu các chính sách chấm dứt ngành công nghiệp thời trang nhanh và lượng nhựa khổng lồ mà ngành này sản xuất và sử dụng.

Bốn là, đầu tư vào công nghệ và vật liệu tiên tiến để xây dựng thế giới không có nhựa.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990 lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người.