Đây chỉ mới là đề xuất, tuy nhiên vì ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng, đặc biệt là trong giai đoạn mùa du lịch nên đã nhận được nhiều ý kiến.
Mức tăng được đề xuất khác nhau trên từng chặng bay. Ví dụ, đường bay 1.000 - 1.280 km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng.
Những đường bay phổ biến như Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Phú Quốc, mức trần tối đa giá vé sẽ là 4 triệu đồng, thay vì 3.750.000 đồng như hiện nay. Việc điều chỉnh khung giá vé máy bay được cho là do giá nhiên liệu tăng đột biến từ đầu năm nay.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: NLĐ)
"Giá trần vé máy bay hiện nay được áp dụng từ năm 2015. Lúc đó, giá dầu có hơn 60 USD/thùng. Nay có thời điểm giá tăng gấp đôi. Các hãng cũng phải tăng giá vé để đảm bảo đủ chi phí vận hành", một tài khoản mạng bình luận.
"Giá mọi thứ đều tăng, nếu không nới trần, các hãng hàng không đã yếu vì dịch thì càng thêm yếu", một tài khoản khác nêu ý kiến.
Trước băn khoăn việc tăng trần sẽ làm giá vé máy bay tăng mạnh dịp nghỉ lễ tới, một số ý kiến cho rằng, trong thời gian cao điểm, giá vé bình quân không thể đạt mức trần. Ví dụ, các chặng bay Hà Nội - Côn Đảo, Phú Quốc có giá vé phổ thông cao nhất khoảng 3,4 triệu đồng một lượt cho ngày 29/4 - 2/5. Mức giá này đang thấp hơn giá trần hiện nay.
"Để cạnh tranh, các hãng vẫn phải đưa ra mức giá hợp lý cho hành khách thôi", một tài khoản mạng bình luận.
"Tốt nhất là mua vé sớm, còn đã sát ngày đi thì giá vé rất cao", một tài khoản khác cho hay.
Hiện nay, giá vé máy bay đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Các hãng xây dựng và thực hiện kê khai dải giá vé với nhiều mức giá từ thấp đến cao. Nhiều ý kiến cho rằng nên để cung cầu thị trường quyết định giá vé máy bay.
"Áp mức giá trần như vậy sẽ không còn tính cạnh tranh, thiệt cho người sử dụng dịch vụ", một tài khoản bày tỏ.
"Cứ để các hãng hàng không quyết định giá và người tiêu dùng quyết định đi hãng hàng không nào có giá cả hợp lý", một tài khoản khác nêu quan điểm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tháng 5/2021, Tổng cục Thống kê có văn bản cho rằng việc đưa giá trần vé máy bay nội địa bằng mức của năm 2014 sẽ góp phần làm CPI chung tăng 0,003%. Vì vậy, việc này gần như không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm nay.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, đề xuất này có thể hiểu được. Tuy nhiên, dù đề xuất nâng giá trần được thông qua, các hãng bay vẫn có sự cạnh tranh với nhau về mức giá, các ưu đãi… và người tiêu dùng sẽ là người cuối cùng quyết định chọn hãng nào có mức giá hợp lý nhất.
(Theo VTV)