Trong điều kiện thị trường mất cân xứng, “triệu người bán, vạn người mua” nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt. Do vậy, việc thành lập hợp tác xã là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Sáng 18/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả đến năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Ảnh VGP/Thành Chung |
Thành lập HTX là nhiệm vụ bắt buộc
Tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đến nay đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bắt đầu có bước phát triển khởi sắc, đóng góp vào GDP 5,6%. Với đà phát triển hiện nay, có thể đạt được mục tiêu của năm 2020 là có 15.000 hợp tác xã.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đặt ra không chỉ là vấn đề số lượng mà nhấn mạnh đến chất lượng, để có 15.000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả phải phấn đấu rất gian khổ. Theo đó, phải tiếp tục củng cố và gia tăng chất lượng 4.400 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả, trong đó có 1.500 hợp tác xã phải đi vào ứng dụng công nghệ cao. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động yếu kém thì đến năm 2020 phải chuyển lên hoạt động có hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trước đây kinh tế hộ đã có một thời kỳ “vàng son” và giúp cho nông nghiệp phát triển vượt bậc, nhưng bây giờ sức sống của kinh tế hộ cần có mô hình theo kiểu mới là mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Bởi trong điều kiện thị trường mất cân xứng, triệu người bán, vạn người mua, nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt.
Do vậy, “thành lập hợp tác xã là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ, chủ thể vẫn là người nông dân, là đầu mối để đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn, phát huy vai trò kinh tế hộ, tăng cường liên kết hợp tác xã với nông dân, các nhà khoa học”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xây dựng hợp tác xã phải thực chất, không chạy theo hình thức. Ảnh VGP/Thành Chung |
Lấy ví dụ từ phát triển hợp tác xã của Hà Giang và Trà Vinh, Phó Thủ tướng yêu cầu phải khắc phục chuyện buông lỏng, bởi kinh nghiệm ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm thì ở đó có phong trào tốt. Cùng với đó, phải tránh chuyện hành chính cưỡng ép, tránh chuyện thành tích, khắc phục tình trạng đưa vào cho đủ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã để xét công nhận nông thôn mới - “vấn đề không phải là có hay không mà hoạt động hiệu quả thế nào, dứt khoát không để chạy theo bệnh hình thức, phải thực chất”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là hợp tác xã; các địa phương xây dựng kế hoạch hành động, bổ sung các giải pháp lồng ghép nguồn lực, phân loại hợp tác xã để có phương hướng phù hợp.
Đánh giá hiệu quả, không tính đơn thuần hiệu quả của hợp tác xã mang lại mà sứ mạng của hợp tác xã trong nông nghiệp là gia tăng giá trị của hộ, thu nhập của hộ nông dân và làm tổng GDP, tổng xuất khẩu trong nông nghiệp tăng lên, đó là điểm khác với hợp tác xã kiểu cũ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài vốn ngân sách, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, thì nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 55, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của các hợp tác xã, tạo điều kiện để các hợp tác xã có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Nhấn mạnh về vấn đề liên kết, Phó Thủ tướng lưu ý dù hình thức liên kết nào thì cuối cùng vẫn phải gắn với tiêu thụ cho nông dân, cần bám sát chương trình mỗi làng một sản phẩm, khắc phục tình trạng được mùa, mất giá. Bên cạnh việc phát triển hợp tác xã, cần chú ý đến mô hình tổ hợp tác, đây là nguồn để phát triển lên hợp tác xã, đảm bảo cho mục tiêu 15.000 hợp tác xã đến năm 2020.
Thiếu hợp tác xã, nông dân chơi vơi, DN cũng chơi vơi
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 39 liên hiệp hợp tác xã và 12.596 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. So với thời điểm cuối năm 2017 tăng 17 liên hiệp, 908 hợp tác xã. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã thành lập mới 1.143 hợp tác xã nông nghiệp (tốc độ tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017).
Qua phân loại 9.266 hợp tác xã nông nghiệp năm 2017 cho thấy số hợp tác xã hoạt động tốt chiếm 12% (1.115 hợp tác xã), 34,3% hoạt động khá (3.178 hợp tác xã), 41,3% ở mức trung bình (3.830 hợp tác xã) và còn 12,4% hợp tác xã xếp loại yếu (1.143 hợp tác xã)...
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sức sản xuất nông nghiệp của nước ta rất lớn nhưng rất lệ thuộc thị trường và thường rất bấp bênh. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị nông nghiệp chưa sâu, hầu hết nông sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô hoặc trong phân khúc chế biến chuỗi giá trị thì rất ngắn. Ví như, chuỗi cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản xuất nhưng chỉ chiếm 8% chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân bao trùm, bản chất là khâu liên kết trong tổ chức sản xuất, kể cả khâu tổ chức sản xuất, chế biến, làm thị trường rất rời rạc, thiếu nhân tố hợp tác xã dẫn đến nông dân chơi vơi, doanh nghiệp cũng chơi vơi.
Bộ trưởng cho biết, 2 năm qua có bước vượt bậc về số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 3.600 lên gần 8.000 doanh nghiệp nhưng số này không thể “với” tới hết 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, cần có sự liên kết trong phát triển nguyên liệu, tổ chức chế biến, phát triển thị trường thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp là hạt nhân.
Chính vì vậy, Nghị quyết 32 của Quốc hội yêu cầu đến năm 2020 có ít nhất 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, làm nhân tố liên kết với nông dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn mới.
Theo tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh hợp tác xã Việt Nam chuẩn bị đề án, kế hoạch, chương trình tổ chức triển khai. Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” cùng với đó là một loạt chính sách thúc đẩy nhằm đạt được mục tiêu này.
Bên trong hợp tác xã triệu đô
Từ một hợp tác xã khởi nghiệp với 7 triệu đồng vốn cộng vài ba ha đất trồng, sau hơn 10 năm, Anh Đào trở thành hợp tác xã kiếm triệu đô.
Từ cú ngã ngựa đầu tiên đến thương hiệu lọt Guinness
221 xã viên là những hộ trực tiếp trồng cây giống trên địa bàn xã có quy mô canh tác, thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí tỷ đồng mỗi năm.
'Lá bùa' của người 'đoán giống cây như vô sòng bạc'
Sau mỗi vụ cây trồng, ông Bảy Sâm có thói quen tiên đoán xem năm sau thị trường giống cây nào hút hàng nhất. Ông ví như việc này như vô sòng bạc. Đặt cây nào trúng thì trúng.
Giấc mơ Mỹ của thanh long Tầm Vu
Con đường xuất khẩu của thanh long ở Tầm Vu, Châu Thành, Long An vẫn chưa là con đường thẳng.
Theo VGP