* Bài viết thể hiện quan điểm của biên tập viên The Verge Russell Brandom.
Từ 40 năm qua, hàng loạt công ty Mỹ đã gửi thiết kế sản phẩm công nghệ cao đến các nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc để sản xuất. Máy bay không người lái, vi mạch, điện thoại, máy tính - gần như bất cứ thứ gì chứa vi mạch bên trong - đều từng phải đi qua một hải cảng Trung Quốc.
iPhone là sản phẩm được thiết kế tại trụ sở Apple ở Cupertino, California (Mỹ), nhưng được lắp ráp tại Trung Quốc. Chiếc điện thoại của "Táo khuyết" thực tế là mặt hàng "được làm ở cả Mỹ và Trung Quốc".
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy Apple và nhiều tập đoàn công nghệ lớn vào tình cảnh khó khăn. Ảnh: SCMP. |
Nhưng tuyến đường thương mại đó đang tan vỡ. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu phát động chiến thương mại chống Trung Quốc và căng thẳng ngày càng leo thang.
Các tập đoàn công nghệ đối mặt khủng hoảng
Vào tháng 5, căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm khi chính phủ Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% lên khối hàng hóa tiêu dùng 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế mới có thể sẽ có hiệu lực từ tuần sau.
Mối đe dọa đó đẩy hầu hết các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc vào tình trạng khủng hoảng. Trong vòng 2 tuần qua, hàng loạt tập đoàn Mỹ bao gồm Apple, Microsoft và Intel đã gửi kiến nghị đến Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để phản đối chính sách thuế mới.
Các đại gia công nghệ mô tả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ dẫn tới một tương lai "thảm khốc".
Bởi rất nhiều mặt hàng công nghệ có mặt trong danh sách hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế trừng phạt, như điện thoại, máy tính và tivi. Chuỗi cung ứng đã tồn tại hàng chục năm qua của các tập đoàn công nghệ có nguy cơ rơi vào hỗn loạn.
Mức thuế mới sẽ đẩy giá điện thoại và các mặt hàng công nghệ tăng cao. Ảnh: Apple. |
Theo ước tính của Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ, mức thuế mới khiến cho mỗi chiếc điện thoại tăng giá khoảng 70 USD. Còn người mua máy tính xách tay sẽ phải tiêu tốn thêm 120 USD.
Điều đó sẽ có tác động tiêu cực đến các sản phẩm nhạy cảm về giá như tivi, lĩnh vực kinh doanh có biên độ lợi nhuận rất mỏng. Một mẫu tivi tăng giá chỉ 20 USD cũng có thể khiến khách hàng chùn tay, chọn một nhãn hiệu khác phù hợp hơn.
Nhà phân tích công nghệ Avi Greengart của Techsponential phân tích: "Khi thuế 5% hoặc 10%, nhiều công ty sẽ chấp nhận. Nhưng một khi thuế tăng lên đến 25%, sản phẩm của bạn không còn sức cạnh tranh, đặc biệt khi trên thị trường có những lựa chọn thay thế nằm ngoài diện chịu thuế".
Apple là nạn nhân số một
Mức thuế 25% là cơn ác mộng đối với Apple, công ty có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương. Để tránh tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, gã khổng lồ xứ Cupertino đã tính đến kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ.
Tuy nhiên phải mất nhiều năm nữa những nhà máy này mới có thể đảm đương việc sản xuất hàng chục triệu iPhone cho thị trường Mỹ. Trong kiến nghị gửi USTR, Apple nói rằng chính sách thuế sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.
Apple dễ bị tổn thương vì sự phức tạp của quy trình lắp ráp iPhone khiến cho việc xây dựng một chuỗi cung ứng mới rất khó khăn. "Quy mô và sự phức tạp của việc lắp ráp iPhone hoặc bất kỳ smartphone nào khác là một thách thức rất lớn", nhà phân tích Patrick Moorhead đến từ Moor Insights cho biết.
"Trong một năm, bạn có thể xây dựng nhà máy sản xuất laptop mới, nhưng phải mất nhiều năm để tạo được cơ sở có khả năng làm ra smartphone".
Không dễ để xây dựng chuỗi cung ứng iPhone nằm ngoài Trung Quốc. Ảnh: The Verge. |
Việc iPhone được sản xuất tại Trung Quốc và có doanh số cao ở Mỹ đẩy Apple vào hoàn cảnh éo le khi hàng Trung Quốc bị áp thuế. Khác với Apple, Samsung lắp ráp phần lớn điện thoại tại Hàn Quốc và Việt Nam. "Samsung không thật sự gặp nhiều khó khăn", Moorhead đánh giá. "Nhưng Apple sẽ bị ảnh hưởng nặng nề".
Ngay cả trong trường hợp giá bán cao không dẫn đến việc người dùng iPhone chuyển sang sử dụng điện thoại Android thì họ cũng sẽ kéo dài thời gian sử dụng điện thoại cũ, ảnh hưởng đến lợi nhuận của Apple.
"Nếu iPhone đột nhiên tăng giá thêm 150 USD, người sử dụng điện thoại cũ sẽ chờ đợi thêm một hoặc hai năm nữa trước khi mua iPhone mới", nhà phân tích Greengart cho biết.
Nhiều ông lớn bị ảnh hưởng
Không chỉ "nạn nhân số một" Apple, cả hệ sinh thái công nghệ sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Ba nhà sản xuất máy chơi game cầm tay Sony, Nintendo và Microsoft cùng đứng tên trong tài liệu gửi đến USTR để giãi bày khó khăn khi mức thuế mới có hiệu lực. Khoảng 96% máy chơi game được sản xuất tại Trung Quốc và thị trường này có lợi nhuận "mỏng như dao cạo".
ZeniMax, công ty mẹ của Epic Games, cho rằng lệnh cấm tác động cả đến lĩnh vực phần mềm chơi game. Ít người mua máy console tại Mỹ đồng nghĩa với ít người Mỹ chơi game hơn, khiến cho các nhà sản xuất phải tập trung vào thị trường nước ngoài.
Thị trường máy chơi game cầm tay cũng là một nạn nhân của chiến trinh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: Techcrunch. |
"Điều này gây ảnh hưởng xấu vì phần lớn doanh thu của chúng tôi đến từ hệ máy chơi game cầm tay tại Mỹ", ZeniMax nêu trong tài liệu gửi USTR.
Theo Fitbit, mức thuế cao khiến thương hiệu sản xuất thiết bị đeo thông minh của Mỹ khó cạnh tranh trước các đối thủ Trung Quốc như Huawei và Xiaomi. Cả ba công ty lắp ráp sản phẩm của họ đặt ở Trung Quốc nhưng doanh thu chủ yếu dựa vào thị trường Mỹ.
Fitbit lo ngại dữ liệu tài chính, sức khỏe và vị trí của người Mỹ sẽ bị đe dọa một khi thiết bị đeo đến từ Trung Quốc tràn lan trên thị trường.
So với các lĩnh vực khác, ngành sản xuất máy tính dường như không gặp quá nhiều khó khăn. Lắp ráp máy tính ít phức tạp hơn so với thiết bị di động. Điều này giúp nhiều công ty rời khỏi Trung Quốc, tìm đến các khu vực có lực lượng lao động giá rẻ.
HP, Dell và Lenovo có chuỗi cung ứng trải rộng nhiều khu vực. Họ đã chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đến những nơi như Indonesia, Mexico, Đông Âu.