R
Tại Nghị quyết 61 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 mới được ban hành, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, nhất là việc hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết; tổ chức thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Quyết định 846 ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, theo Danh mục các thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 846, có 354 thủ tục hành chính được các bộ, ngành thực hiện và 353 thủ tục hành chính do địa phương triển khai trong năm nay.
Cũng trong Nghị quyết 61, cùng với việc yêu cầu đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin mạng; chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, thường trực phương án ứng cứu, đảm bảo an toàn, thông suốt hệ thống CNTT thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, ngăn chặn xử lý mã độc, sự cố mất an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng được giao phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên môi trường không gian mạng; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng mạng xã hội đưa tin sai sự thật.
Trong kết luận hội nghị sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm 2017 được tổ chức ngày 14/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận định, với sự ra đời của Thông tư 38 về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như Google, Facebook đã rất chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
“Điều này được phản ánh rõ nét thông qua việc các doanh nghiệp này đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện xử lý hàng nghìn nội dung thông tin vi phạm pháp luật. Riêng Youtube đã gỡ bỏ hơn 3776 clip; 106 tài khoản giả mạo; Facebook đã xóa 600 tài khoản”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với lĩnh vực CNTT, Bộ trưởng cho biết, trong nửa đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã ban hành báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hiện nay Bộ đã hoàn thiện và chuẩn bị ban hành Sách trắng về CNTT&TT. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đã tăng cường phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành trong việc nâng cao chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc.
Về an toàn thông tin, cùng với việc quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Đặc biệt vừa qua, Bộ TT&TT đã kịp thời đưa ra cảnh báo tới các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam về các phương thức tấn công khai thác hệ thống mới của nhóm tin tặc Shadow Brokers; cảnh báo và khuyến nghị xử lý trước nguy cơ bị mã độc WannaCry tấn công, mã hóa dữ liệu quan trọng để đòi tiền chuộc, đồng thời đưa ra những hướng dẫn để thực hiện các biện pháp xử lý khẩn cấp mã độc này. Những nỗ lực này là một trong những nguyên nhân giúp việc Việt Nam ít bị ảnh hưởng trong khi rất nhiều nước khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng chỉ rõ, một trong những hạn chế của công tác của Bộ TT&TT thời gian qua là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại nhiều địa phương đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí nhiều dịch vụ không có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến thấp; nhiều dịch vụ còn triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lặp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng lại thông tin.
“Việt Nam vẫn là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới. Nhiều cơ quan, tổ chức không thực hiện kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin dẫn đến không phát hiện ra những nguy cơ, lỗ hổng, mã độc tiềm ẩn sẵn trong hệ thống từ trước. Một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát. Nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam hiện nay còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm 2017, Bộ TT&TT tiếp tục tập trung quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; tăng cường giám sát, đánh giá công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và triển khai dịch vụ công trực tuyến; tập trung thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử; thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng; tích cực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin và tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn xã hội về an toàn thông tin; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức giám sát và ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công mạng.