Hệ thống khu bảo tồn biển tại Việt Nam được thành lập giúp bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học và cung cấp nguồn lợi hải sản bền vững. Tuy nhiên, để giữ được môi trường sinh thái bền vững, không có rác thải nhựa đang là một trong những thách thức.
Nhiều khu bảo tồn biển trong tình trạng “4 không”
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), dù được Chính phủ đầu tư nhưng công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển của Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều khu bảo tồn hiện nay vẫn trong tình trạng “4 không”: Không tiền, không có người quản lý, không phương tiện giám sát và không có thẩm quyền (không có tư cách pháp nhân để khai thác). Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm, xử lý dứt điểm.
Cũng theo ông Hùng, hiện hệ thống pháp luật về bảo tồn biển, đa dạng sinh học khá đầy đủ, tuy nhiên, vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý bảo tồn biển hiệu quả, bền vững. “Vẫn chưa có cơ chế chính sách khuyến khích đối với những người làm trực tiếp công tác bảo tồn biển tại các khu bảo tồn, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân trong và xung quanh các khu bảo tồn còn chậm”, ông Hùng cho biết thêm. Chính vì lí do này mà rất nhiều chính sách liên quan đến khu bảo tồn cũng bị… đình trệ.
Ví dụ các đề xuất phát triển du lịch gắn với các khu bảo tồn đang chưa thể triển khai do các khu bảo tồn chưa có tư cách pháp nhân nên không thể được phép kinh doanh hoặc kết hợp làm du lịch. Trong khi đó, định hướng chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác ven bờ sang nuôi biển cũng gặp khó, nhất là các khu bảo tồn đang có lợi thế cho việc nuôi biển nhưng chưa thể cấp phép cho ngư dân nuôi trồng vì chưa có cơ chế.
Đặc biệt, thiếu nhân lực, thiếu phương tiện nên công tác bảo vệ môi trường sinh thái cho các khu bảo tồn cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó mục tiêu các khu bảo tồn “nói không” với rác thải nhựa cũng đang khó triển khai khi nguồn lực có hạn. Sự "xung đột" về phát triển kinh tế và bảo tồn biển cũng đang là rào cản cho nhiều địa phương có khu bảo tồn biển hiện nay.
Sẽ thành lập 27 khu bảo tồn biển
Theo định hướng của Chính phủ, để tái tạo nguồn lợi hải sản, ngoài triển khai quy hoạch vùng biển cấm khai thác có thời hạn, việc thành lập các khu bảo tồn biển ở các tỉnh, thành ven biển cũng đã được chú trọng thực hiện thời gian qua.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, tính đến nay, ở Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 11 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển và các vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Nam Yết, Phú Quốc. Các khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là: Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Trà, Phú Quý, Cô Tô, Đảo Trần.
Theo đánh giá chung của Bộ TN&MT, hệ thống khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hòa môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quốc gia. Tuy nhiên, việc thiết lập, vận hành và quản lý hệ thống các khu bảo tồn biển thời gian tới cần bảo toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh; đồng thời góp phần trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Được biết, định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 442.235 ha, chiếm khoảng 0,44% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; trong đó có 11 bảo tồn biển cấp quốc gia (5 bảo tồn biển đã thành lập và 6 khu bảo tồn mới).
5 khu bảo tồn biển đã thành lập bao gồm: Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nam Yết và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). 6 khu bảo tồn biển mới sắp được thành lập gồm: vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà - Long Châu (Hải Phòng), Gò Đồi Ngầm (Quảng Bình), Thuyền Chài, Song Tử (Khánh Hòa).
Bảo tồn biển cấp tỉnh có 16 khu, trong đó thành lập mới 8 bảo tồn biển là Cà Mau, Hòn Ngư - Đảo Mắt (Nghệ An), Hải Vân - Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế), Sơn Trà (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Hải Tặc, Nam Du - Hòn Sơn (Kiên Giang).