aa2.jpg
Ngành Hải quan đã ứng dụng nhiều dịch vụ công điện tử. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

>> Thêm 4 tỉnh được Luxembourg xây “cổng” về thủ tục đầu tư/ Hàn Quốc muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử/ Đề án "Nước mạnh" vấp nhiều lực cản

Trung ương cũng khó

Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN) giai đoạn 2011-2015 (Chương trình) nhằm triển khai mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử của Đề án "Nước mạnh". Chương trình có quy mô rất lớn với hơn 50 dự án mang tầm cỡ quốc gia và khoảng 300 dịch vụ hành chính công trực tuyến, với tổng dự toán kinh phí cho 5 năm khoảng 1.700 tỷ đồng.

Chương trình có hai mục tiêu lớn nhất: Thứ nhất, ứng dụng CNTT làm hiệu quả hoạt động của các CQNN tốt hơn và liên thông được với nhau. Thứ hai, thông qua các dịch vụ hành chính công trực tuyến giúp cho các dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, minh bạch hơn. Nhưng với thực tế hiện nay thì mục tiêu của Chương trình khó có thể hoàn thành, bởi việc triển khai đang vấp phải lực cản lớn do thiếu kinh phí.

Ngay sau khi Chương trình này ra đời vào cuối năm 2010 thì năm 2011 kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế của Việt Nam gặp khó khăn. Cũng vì thế mà Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011, trong đó có mục tiêu thắt chặt đầu tư công để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế. Trong khi đó, Chương trình cần khoảng hơn 1.700 tỷ đồng để thực hiện, mà trong hai năm 2011-2012 mới thực hiện được khoảng trên 200 tỷ đồng, năm 2013 dự kiến được chi khoảng gần 100 tỷ đồng, và 2 năm còn lại kinh phí chi tiêu cho các dự án Chương trình chắc chắn cũng không khả quan hơn.

Từ năm 2011 không có dự án CNTT mới được duyệt kinh phí mà ngân sách chỉ cấp vốn cho các dự án đang làm dở dang. Rõ ràng với nguồn lực như vậy không thể đáp ứng được yêu cầu mà Chương trình đặt ra, việc triển khai các dự án CNTT theo kỳ vọng là rất khó khăn.

Địa phương lại càng khó hơn

Long An là một tỉnh được đánh giá cao trong triển khai ứng dụng CNTT và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Lãnh đạo tỉnh Long An đã tạo điều kiện tốt nhất để phát triển hạ tầng và đưa ứng dụng CNTT làm thay đổi nền hành chính. Song theo đánh giá của Sở TT&TT tỉnh Long An, hiện nay việc triển khai các dự án mới rất chậm do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực và nhiều rào cản khác. Dẫn đến việc nhiều dịch vụ công trực tuyến đã đưa lên mạng nhưng hoạt động chưa hiệu quả, dịch vụ chưa đưa lên thì thiếu kinh phí. Bộ thủ tục hành chính của các ngành chưa thống nhất hoặc thay đổi liên tục khiến việc điện tử hóa các thủ tục hành chính rất khó khăn, thiếu đồng bộ.

Còn ông Chu Xuân Trường – Giám đốc Sở TT&TT Điện Biên thẳng thắn nhận định: "Hiện Điện Biên chưa thể triển khai bất cứ dự án nào cho Đề án "Nước mạnh" vì nhiều khó khăn. Trong đó, hai khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí và không có đội ngũ chuyên trách về CNTT". Bên cạnh đó, hiện nhà nước vẫn chưa có kiến trúc chung cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN nói chung, kiến trúc chính phủ, chính quyền điện tử để các địa phương triển khai đồng bộ. Việc đánh giá, kiểm định các phần mềm ứng dụng hiện có trên thị trường khó khăn, chưa có đơn vị nào đánh giá, kiểm định chất lượng phần mềm. Hệ quả là các ngành tự lựa chọn giải pháp không đồng bộ, không liên thông, kết nối được.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, có 3 yếu tố khiến dự án CNTT trong CQNN khó triển khai, đó là: Kết nối các hệ thống CNTT không đồng bộ, kinh phí thiếu và các địa phương làm dự án theo kiểu đầu tư nhỏ giọt dẫn đến không thể liên thông.

"Sớm kiến nghị với Thủ tướng về cơ chế đặc thù"

Theo ông Chu Xuân Trường, "nếu Nhà nước không phân nhóm theo đặc thù của từng địa phương để có chính sách hỗ trợ riêng, thì các tỉnh miền núi như Điện Biên sẽ không bao giờ làm địa phương điện tử được, chưa nói đến là tiến đến Chính phủ điện tử".

Ông Phùng Văn Ổn – Giám đốc Trung tâm Tin học của Văn phòng Chính phủ cho rằng: Giải pháp được bàn đến hiện nay là cơ quan tham mưu cần có kiến nghị Chính phủ cho phép thu hẹp quy mô của Chương trình theo hai hướng. Một là báo cáo Thủ tướng cho phép lựa chọn các dự án trọng điểm làm xương sống, làm nòng cốt cho Chương trình để cấp kinh phí triển khai trước. Hai là, báo cáo với Thủ tướng có cơ chế cho phép giao cho doanh nghiệp đầu tư và cho các CQNN dùng theo hình thức cho thuê dịch vụ.