Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, BHXH tỉnh Ninh Bình xác định là một nhiệm vụ quan trọng, từ đó đẩy mạnh triển khai và bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong việc thực hiện chuyển đổi số, tạo ra nhiều tiện ích trong cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện cho người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, đồng thời phục vụ và đáp ứng các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da, Công ty TNHH Vienergry, KCN Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình) có hơn 5.300 lao động làm việc tại các bộ phận.
Chị Hoàng Thị Thu Hiền, cán bộ Phòng nhân sự Công ty cho biết: Trước đây, việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến biến động nhân sự, các chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn cho người lao động... do thường phải đến cơ quan BHXH để thực hiện.
Nhưng từ năm 2021, các thủ tục trên đã được nhân viên thực hiện ngay tại Công ty thông qua các phần mềm do BHXH cung cấp, cho thấy sự tiện lợi, nhanh chóng và giảm nhiều các chi phí về đi lại, in ấn, thời gian...
Đối với người lao động, khi sử dụng điện thoại thông minh cũng được hướng dẫn cài phần mềm VssID của BHXH Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Hường, công nhân Công ty TNHH Vienergry chia sẻ: Từ phần mềm được cài đặt này, chúng tôi khi đi khám, chữa bệnh không cần mang theo thẻ BHYT giấy.
Cùng với đó, thông qua phần mềm này, chúng tôi nắm bắt được quyền lợi của mình từ khi tham gia BHXH, về thời gian, mức đóng BHXH và chế độ được hưởng trong từng thời điểm làm việc... Từ đó cho thấy sự tiện lợi và an tâm hơn rất nhiều.
Tại các cơ sở y tế, việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip đã được triển khai thực hiện. Các cơ sở khám, chữa bệnh đã trang bị đầu đọc mã QR Code trên CCCD gắn chip, ứng dụng xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp và ứng dụng phần mềm VneID của Bộ Công an.
Tính đến ngày 21/8/2023, toàn tỉnh đã có 190/191 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 99,5% tổng số cơ sở KCB BHYT trong tỉnh), với 536.389 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT kể từ khi triển khai.
Hiện nay, tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và các huyện, thành phố, ngành BHXH đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực BHXH.
Theo đó, các tổ chức và cá nhân khi cần giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực BHXH sẽ trực tiếp đến Trung tâm phục vụ hành chính công để giao dịch thay vì phải đến cơ quan BHXH các huyện, thành phố như thời điểm trước.
Tại đây, 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông trên cổng dịch vụ công quốc gia là: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, đăng ký cấp thẻ BHYT; Đăng ký khai tử xóa đăng ký thường trú và trợ cấp mai tang, hỗ trợ chi phí mai táng được thực hiện nhanh gọn, không mất nhiều thời gian.
Ông Tống Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết: Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, BHXH tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của ngành, các cấp chính quyền địa phương.
Cùng với đó là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ BHXH, được đào tạo, hướng dẫn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời ngành cũng trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số. Từ đó góp phần hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ, thủ tục về BHXH nói chung, đạt được những kết quả bước đầu.
Về phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm, CSDL chuyên ngành, thời gian qua, BHXH tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các ngành liên quan, các đơn vị sử dụng lao động để triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng hiệu quả.
BHXH tỉnh đã chia sẻ, khai thác các thông tin, dữ liệu phục vụ quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, làm giàu CSDL quốc gia về bảo hiểm và các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác. Phối hợp với Công an tỉnh xác thực và chia sẻ thông tin liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN với CSDL quốc gia về dân cư.
Tính đến hết tháng 7/2023, hệ thống đã xác thực được 833.783 người, đạt tỷ lệ 92,1% số người BHXH quản lý cấp thẻ BHYT (833.783/905.140).
Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc tiếp nhận, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh từ Bộ Tư pháp để thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa phương.
Lũy kế từ tháng 1/2023 đến hết tháng 07/2023 là 8.632 trẻ em. Đồng thời kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cục thuế tỉnh rà soát đơn vị sử dụng lao động, người lao động chưa tham gia BHXH.
Việc triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến, hiện toàn bộ các TTHC của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình.
Các dịch vụ công này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST...
Đến 30/6/2023, số đơn vị sử dụng lao động đăng ký giao dịch BHXH điện tử là 3.747 đơn vị, tỷ lệ đạt 94,5% so với tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, tăng 298 đơn vị (8,64%) so với cùng kỳ năm 2022.
Số đơn vị sử dụng lao động đăng ký giao dịch điện tử sử dụng ký số là 3.552 đơn vị, đạt 94,8% so với tổng số đăng ký giao dịch điện tử, tăng 283 đơn vị (8,65%) so với cùng kỳ năm 2022.
BHXH tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID, giao chỉ tiêu cài đặt ứng dụng BHXH số - VssID năm 2023 tới từng BHXH huyện, thành phố, các phòng nghiệp vụ. Phối hợp với Sở GD-ĐT đôn đốc, đẩy mạnh cài đặt ứng dụng VssID cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Tỉnh đoàn thực hiện tuyên truyền chính sách BHXH BHYT và cài đặt ứng dụng BHXH số-VssID cho các cán bộ đoàn chủ chốt. Tính đến ngày 24/08/2023, đã phê duyệt 247.862 tài khoản sử dụng VssID.
Việc đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt được BHXH tỉnh phối hợp với Ngân hàng, Bưu điện, Trung tâm Dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động người hưởng các chế độ bảo hiểm mở tài khoản ATM nhằm đạt chỉ tiêu phấn đấu chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt do BHXH Việt Nam giao.
Kết quả, có khoảng 20,4% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị; trong đó, tỷ lệ nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoàn cá nhân đạt 17,97%; tỷ lệ nhận chế độ BHXH một lần qua tài khoản cá nhân đạt 80,72%; tỷ lệ nhận trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân đạt 99,83%.
Thời gian tới, ngành BHXH Ninh Bình sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến, hướng đến mục tiêu chung là phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Qua đó tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT, từng bước thực hiện chủ trương tăng nhanh số lao động tham gia BHXH và bao phủ BHYT cho toàn dân.
Theo Huy Hoàng (Báo Ninh Bình)