Trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến khu vực đô thị, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định Trung ương và địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) phải chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong điều hành, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu để tạo thêm sức mạnh tài chính, tính khoa học, tính bền vững trong quy hoạch và xây dựng đô thị.
Các khu vực trung tâm có các công viên với hệ thống cây xanh đan xen, góp phần tạo địa điểm sinh hoạt ngoài trời, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao lý tưởng của người dân, đồng thời tạo không gian rộng thoáng phục vụ cho các hoạt động văn hóa cộng đồng. Ngoài các công viên hiện hữu, trên địa bàn thành phố cần có các khu trồng cây xanh gắn với công trình di sản văn hóa, lịch sử và các địa điểm vui chơi, giải trí…;
Các tuyến đường cây xanh cần liên tục được trồng thêm để bổ sung, thay thế. Dọc các tuyến đường lớn hay công viên cần bố trí cây xanh có bóng mát kết hợp với một số điểm trồng cây cảnh. Các công trình công cộng như công viên, cây xanh cần được đầu tư hoàn thiện tạo môi trường thoáng mát;
Thay thế, trồng mới các loại cây đã bị thoái hóa ở các tuyến đường. Song song đó, ở hầu hết các khu dân cư cần được thiết kế kết hợp giữa hệ thống công viên cây xanh, tạo điều kiện đáp ứng mục tiêu tăng diện tích cây xanh, góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường đô thị và tạo bản sắc riêng;
Tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về quỹ đất cây xanh đô thị theo quy định trong quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng hiện hành; trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh; việc chặt hạ và dịch chuyển cây xanh đô thị phải đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định và dành quỹ đất phát triển vườn ươm cây xanh;
Đánh giá, phân loại các khu vực cây xanh trên toàn bộ vùng ĐBSCL, nhận diện những khu vực quan trọng hoặc có vấn đề với BĐKH ví dụ như: khu vực bảo vệ dự trữ nguồn nước, khu vực đa dạng sinh thái, khu vực canh tác nông nghiệp, khu vực ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…;
Đề xuất các giải pháp quy hoạch và quản lý cây xanh trên toàn bộ vùng ĐBSCL một cách hệ thống và đồng bộ, cụ thể cho từng khu vực cây xanh, cả đô thị và nông thôn, cây xanh cảnh quan cũng như cây nông, lâm nghiệp. Trong đó chú trọng các quy định về diện tích, chức năng và chủng loại cây;
Chú trọng nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp với BĐKH, chuyển đổi cây nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở những vùng bị lũ lụt, xâm nhập mặn. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất các khu vực bị hạn hán sang loại hình dịch vụ, du lịch, công nghiệp;
Khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị; phát động chương trình hộ gia đình tự trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh khu vực nhà mình, trên các tuyến phố đã quy hoạch… và theo quy định về chủng loại cây trồng;
Tăng cường diện tích cây xanh đô thị bằng việc trồng cây trên mái và các tầng nhà, sử dụng vườn “treo” trên mặt tiền công trình, cây xanh nội thất… để tăng cường cách nhiệt, chống tác động bức xạ nhiệt đến công trình, tạo không gian xanh, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và những nguyên nhân làm suy thoái môi trường;
Tăng cường công tác chăm sóc, cải tạo hệ thống cây xanh, đảm bảo yêu cầu mỹ quan và sự an tòan đối với người dân đô thị. Thay thế dần các loại cây không thích hợp, cây ngoại lai, cây độc hại với môi trường;
Nâng cao ý thức của sự tham gia cộng đồng trong công tác bảo vệ phát triển hệ thống công viên, cây xanh đô thị thông qua các họat động giáo dục, tuyên truyền. Mặt khác, cần phải có biện pháp chế tài xử phạt mọi hành vi xâm hại đến hệ thống cây xanh công viên hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất cây xanh đô thị.
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, vai trò của cây xanh vùng ĐBSCL ngày nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì nó góp phần giảm thiểu, thích ứng và chống chịu với BĐKH một cách hiệu quả và tiết kiệm. Cần có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn đối với việc bảo vệ hệ thống cây xanh vùng ĐBSCL, coi nơi đây vừa là vùng sản xuất nông nghiệp vừa là vùng sinh thái đặc biệt.