"Không thể nói trường nghề không được dạy văn hóa. Nói như vậy là sai tinh thần của Nghị quyết Trung ương. Nghị quyết Trung ương nhấn mạnh phân luồng giáo dục. Trong đó phân luồng sau THCS (phân luồng ở giai đoạn đầu tiên) có ít nhất 30% học sinh đi học nghề còn 70% học tiếp lên bậc THPT.
Sau khi học nghề, học sinh vừa có bằng nghề vừa có bằng văn hóa. Tại sao lại ngăn cấm? Hết THPT thì 70% đi học nghề và chỉ 30% đại học thôi. Học đại học nhiều để làm gì? Có những 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp là một hiện thực của Việt Nam".
Phát biểu của ông Bùi Sỹ Lợi hôm 11/4 được trích dẫn trên một số tờ báo khi đóng góp ý kiến tại tọa đàm khoa học: 'Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045'.
Cần có dữ liệu, nghiên cứu cụ thể
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng đây là nhận định không cẩn trọng, thậm chí còn vô tình làm méo mó chính sách về phát triển nhân lực chất lượng cao vẫn là 1 trong 3 đột phá chiến lược của quốc gia trong thập kỷ tới.
“Nói người có 3 bằng đại học thì đây có phải là số đông hay không, hay ở 1, 2 người cụ thể nào đó. Rồi thì người ấy tốt nghiệp ngành gì, trường nào, ở đâu, cần chỉ ra cụ thể chứ không nên nói thế để dư luận nhìn bức tranh giáo dục đại học xám ngoét và tô hồng cho hệ thống khác” – ông Vinh gay gắt.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cùng chung nhận định. Theo ông Sơn, nếu có 3 bằng đại học mà vẫn thất nghiệp thì phải xem lại người học là ai, và có bao nhiêu người có 3 bằng đại học mà vẫn bị thất nghiệp.
Ông Sơn cho rằng, học cái gì là tùy lựa chọn của mỗi người. Học nghề cũng tốt nhưng không phải học nghề là hoàn toàn tốt. Học đại học cũng tốt nhưng không phải trường nào cũng tốt. Vì vậy, nên nhìn nhận khách quan.
Đồng ý với 2 quan điểm này, một giảng viên ĐH phía Nam đặt câu hỏi, ông Hồ Sỹ Lợi nói “có những 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp là một hiện thực của Việt Nam” dựa trên số liệu, nghiên cứu nào?
“Dù 1 bằng hay có 10 bằng đại học, nếu người học không nỗ lực vươn lên, nắm bắt cơ hội mà thụ động chờ đợi thì thất nghiệp là bình thường”- ông nói.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thẳng thắn “không nên lấy sự cá biệt để tung hô thành điều phổ biến.
“Hãy xem có tỷ lệ bao nhiêu người có 3 bằng đại học trên tổng số có trình độ đại học? Hãy xem có bao nhiêu người thất nghiệp/tổng số người có 3 bằng đại học? Hãy xem bằng thứ 2, thứ 3 của họ là gì? Và phải xem bằng thứ 2, thứ 3 có bao nhiêu ngoại ngữ, tin học - công cụ hỗ trợ cho chuyên môn chính của họ hoặc ngành nằm trong quy định bắt buộc để chuẩn hoá chuyên môn hoặc quản lý”- ông Lý cho hay
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đề nghị ông Lợi cần có các số liệu, dữ liệu hết sức căn cơ trước khi phát biểu bởi ông là đại diện tiếng nói người dân.
Nếu không có kĩ năng mềm đều có thể thất nghiệp
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, phải nhìn thấy rằng trong cơ cấu trình độ đại học trở lên của lao động trong độ tuổi ở Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng trên 13% - tức còn thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia công nghiệp khác (ít nhất phải từ 25% trở lên).
“Giáo dục đại học vẫn phải phát triển quy mô nhiều hơn nữa trên cơ sở đảm bảo chất lượng nếu Việt Nam không muốn làm công xưởng của thế giới” – ông Vinh đưa ra quan điểm.
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh: “Không phải bằng đại học mang lại việc làm mà là chất lượng đào tạo và năng lực của người học.
Hiện nay có hàng trăm trường ĐH, trong có trường chất lượng tốt, có trường chất lượng kém. Vì vậy nói “3 bằng đại học thất nghiệp” là đang cào bằng và phủ nhận những giá trị của việc học đại học. Có chục bằng đại học nhưng ra trường không có năng lực làm việc thì cũng thất nghiệp”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, lâu nay tỷ lệ có việc làm ở những trường ĐH có chất lượng tốt rất cao, trừ những em đi học tiếp, đi học nước ngoài hoặc những em khởi nghiệp. Khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhiều thì đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học.
“Quan điểm ngày xưa là ít thầy nhiều thợ, tức là đào tạo tinh thông nghề nghiệp nhưng hiện đã qua giai đoạn này, nhân lực chủ yếu chia thành 2 loại. Thứ nhất nhân lực tốt nghiệp phổ thông có thể được đào tạo ở trường nghề hoặc đào tạo trực tiếp trong nhà máy đều có thể làm được việc. Mặt khác tại các nhà máy, cơ sở xí nghiệp khi tự động hóa cao thì kỹ năng tay nghề không cần cao mà đòi hỏi đội ngũ có trình độ cao, đặc biệt là các kỹ sư và nguồn nhân lực có trình độ cao đây là những nhân lực được đại học đào tạo”- ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng những quan điểm này có thể gây mâu thuẫn. Và dù học nghề hay học đại học, ngoài kỹ năng, kiến thức nếu không rèn luyện các kỹ năng mềm thì thất nghiệp là điều có thể xảy ra.
Trao đổi với VietNamNet về phát ngôn của mình, ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Có hiện tượng đúng như vậy, học mà không tìm được việc làm, học đi học lại bình thường. Tôi nói như thế là rõ ràng là có thể như thế. Anh chưa học được, có người thì học ba lần, người ta đã đăng nhiều lần. Học xong về mẹ cho đi học lại mãi vẫn chưa tìm được việc làm và phải xoay xở”. |
Lê Huyền
Tâm sự "học đại học để làm gì" của 8X Việt gây bão
Quan điểm cá nhân của Lê Hải Sơn - một người trẻ đang làm thiết kế và marketing về việc học đại học nhận được nhiều ý kiến đa chiều.