Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hướng đi mới sẽ mở đường, thu hút nhân lực nghiên cứu khoa học, công nghệ

Đề cập đến chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho rằng, đây là vấn đề rất cấp bách vì để phát triển ngành khoa học và công nghệ mới thì nhân sự luôn là cơ bản nhất.

Ông Hiếu viện dẫn nhận định của một chuyên gia quốc tế cho rằng quốc gia nào xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, với số lượng càng lớn và càng sớm, sẽ càng có vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

hoang minh hieu.jpeg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói về việc trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Ảnh: QH

Theo đại biểu đoàn Nghệ An, thực tế hiện nay, chúng ta đang có nhu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Chẳng hạn, trong ngành công nghệ thông tin, theo một nghiên cứu thì riêng trong năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 người làm công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như AI, Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng. 

Để có đủ số nhân sự trên, chúng ta vừa cần các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm để đào tạo nhân sự trong nước, vừa cần có những nhân sự nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam.

“Do vậy, chúng tôi đề xuất phải có chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài ở Việt Nam, thông qua các chính sách như hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác”, ông Hiếu nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, cần có các chính sách hiệu quả hơn nữa cho việc trọng dụng nhân tài trong việc nghiên cứu khoa học.

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, việc bổ nhiệm một trưởng phòng trong một đơn vị cũng vướng rất nhiều quy định. "Rất mong nghị quyết sẽ mở đường, hướng đi mới để thu hút những thanh niên đầy nhiệt huyết về nghiên cứu khoa học, công nghệ trong cả nước", ông nói.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, trường đại học cũng như viện nghiên cứu đã sẵn sàng đổi mới và hành động trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ.

1 tran thi nhi ha.jpeg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Như Ý

Do vậy, bà Hà đề xuất các bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% ngân sách mua sắm công để đặt hàng sản phẩm khoa học, công nghệ trong nước. Đồng thời, hằng năm bộ, ngành, địa phương phải ban hành “danh mục đặt hàng sản phẩm khoa học, công nghệ” để các tổ chức, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả các cá nhân có thể đăng ký tham gia, được hỗ trợ đầu ra sau khi nghiên cứu thành công.

Ngoài ra, bà cũng đề nghị bổ sung cơ chế rút ngắn thủ tục thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Ví dụ, một sản phẩm phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ y tế có thể bị yêu cầu vừa đăng ký tại Bộ Y tế và Bộ TT&TT. Do vậy, cần có quy định một quy trình chung cho các sản phẩm, tránh chồng chéo giữa các bộ, ngành.

Miễn trừ trách nhiệm nếu kết quả nghiên cứu không khả thi

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với quy định không truy cứu trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro nếu kết quả nghiên cứu không đạt khi đã thực hiện đúng quy trình, quy định.

“Tôi đề nghị phải nêu rõ, khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu đề tài đã đăng ký mà không đạt được hiệu quả thì không phải trả lại kinh phí”, ông Cường nói.

Hoang Van Cuong 1.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: QH

Đại biểu Cường bày tỏ đồng tình với chủ trương tháo gỡ nhiều nút thắt trong nghiên cứu khoa học hiện nay như tăng mức hỗ trợ ngân sách, các chính sách giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu khoa học…

“Chúng ta biết trong nghiên cứu thì chưa thể biết có kết quả hay không, giống như người khai thác dầu khí có khi 10 mũi khoan mới được 1 mũi có dầu. Do vậy, tôi cho rằng đây là lối thoát, lối mở để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu”, ông Cường nhấn mạnh.

Đồng tình với quy định tại điều 6, dự thảo Nghị quyết, nhưng đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bày tỏ băn khoăn vì ở đây mới chỉ quy định miễn trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại với Nhà nước. 

“Chúng tôi đề xuất cần phải miễn trách nhiệm dân sự đối với cả tổ chức, cá nhân khi làm thiệt hại cho cả Nhà nước và tổ chức, cá nhân khác. Trong hợp đồng thương mại khi gây thiệt hại chúng ta cũng phải miễn trách nhiệm”, ông An nêu. 

Về miễn trách nhiệm hình sự, đại biểu An cho hay, Bộ luật Hình sự có nêu việc này và giao trách nhiệm cho tòa án. Theo ông, khi làm Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã có đề xuất nội dung này nhưng tòa án chưa đồng ý.

Đại biểu đoàn Đồng Nai đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các tiêu chí khách quan về quy trình thủ tục.

“Nếu không miễn trừ cho người nghiên cứu khoa học sẽ rất rủi ro. Cùng với miễn trách nhiệm dân sự cần miễn trách nhiệm hình sự. Cần nghiên cứu nội dung này. Đây là nghị quyết thí điểm nên cần đặt vấn đề và quy định trong các luật tiếp theo", ông An đề nghị.

tong bi thu chu tich.jpeg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe ý kiến đại biểu tại hội trường. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) cũng băn khoăn khi dự thảo Nghị quyết mới chỉ đề cập đến chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Theo ông, quy định như vậy là quá hẹp và chưa đề cập đến việc tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư kết cấu hạ tầng cho lĩnh vực này.

Do đó, ông Minh đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc, nhằm thu hút nhanh chóng, mạnh mẽ các nguồn lực xã hội; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông Minh, hiện nay trong dự thảo Nghị quyết mới đề cập đến việc miễn trừ trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành chính sách mà chưa có quy định miễn trừ cho người tổ chức thực hiện chính sách. 

Do đó, ông đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực.

Cần cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, để thúc đẩy phát triển nhanh KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, điều quan trọng nhất là phải có các cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng như: Không gian làm việc; phòng thí nghiệm, phòng thí nghiệm kết hợp sản xuất thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế; hạ tầng số, trung tâm dữ liệu cáp quang…

Theo bà Thúy, quy định của pháp luật hiện nay chưa có hoặc mới chỉ đề cập chung chung, đặc biệt là các trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng rất rườm rà, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể và không đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết 57.

Do đó, bà Thúy đề xuất Quốc hội xem xét bổ sung về trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng KHCN bằng nguồn ngân sách nhà nước và cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách nhà nước với vốn ngoài nhà nước cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.

Cụ thể, bà đề nghị giao đất sạch trực tiếp (không qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và không thu tiền sử dụng đất trong thời gian 10 năm trở lên, sau đó miễn giảm 50% tiền sử dụng đất cho thời gian tiếp theo (nếu như dự án đó có hiệu quả).

Về trình tự, thủ tục quản lý, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đã đầu tư, bà Thúy đề nghị với tài sản do Nhà nước đầu tư toàn bộ được cho tập thể, cá nhân nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thuê không qua đấu giá quyền khai thác, sử dụng, miễn, giảm tiền cho thuê hoặc cho sử dụng chung để phục vụ nghiên cứu đào tạo.

Với tài sản kết hợp giữa nguồn vốn nhà nước và vốn ngoài ngân sách thì cơ quan nhà nước thực hiện quyền quản lý chỉ định cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhóm chuyên gia quyền khai thác, sử dụng và chịu chi phí vận hành, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần chi phí quản lý, vận hành.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, cần có cơ chế đột phá về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm từ nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo trên cơ sở hạ tầng có nguồn vốn nhà nước hoặc vốn kết hợp giữa Nhà nước với tư nhân theo hướng người nghiên cứu được hưởng trọn vẹn quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm này, hoặc có sự thỏa thuận giữa người làm ra sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước.

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội về Nghị quyết 57

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội về Nghị quyết 57

VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo chuyên đề “Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vào ngày 13/1/2025.