- Hơn một tiếng sau khi phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT bắt đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo, có 80 ĐB đã đăng ký chất vấn và tranh luận nên hệ thống máy chịu không nổi, bị treo.
Sáng nay, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Có 5 phút báo cáo trước Quốc hội trước khi bước vào phần hỏi - đáp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói thời gian qua ngành giáo dục đã đạt được những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng lớn, khó, cần thời gian mới phát huy được kết quả của đổi mới. Bản thân ngành cũng còn nhiều thiếu sót, nhiều vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong dư luận. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Nhạ xin chịu trách nhiệm về những việc chưa làm được và hứa thực hiện tốt hơn thời gian tới.
Hơn một tiếng sau khi phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT bắt đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo: Hiện nay đã có 9 đại biểu chất vấn, 67 đại biểu chờ chất vấn, 11 đại biểu tranh luận, 8 đại biểu chờ tranh luận.
Bà Ngân cho hay "như vậy tổng cộng có 80 ĐB đã đăng ký chất vấn và tranh luận nên hệ thống máy chịu không nổi, bị treo".
Sinh viên thất nghiệp là có thật
ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội) nêu, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện có hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, gây bức xúc trong xã hội. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giáo dục.
ĐB Đào Tú Hoa, ít phút đầu phiên chất vấn, do mic chỗ ngồi bị lỗi không có tiếng nên ĐB được mời lên bục phát biểu |
“Bộ trưởng cho biết thời gian tới sẽ giải quyết vấn đề này như nào?”, bà Hoa hỏi.
Trả lời ĐB Hoa, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc sinh viên thất nghiệp 200.000 là hiện tượng có thật. Theo ông, để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp thì vấn đề là chất lượng, chất lượng phải chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường.
Bộ trưởng Nhạ nêu giải pháp là phối hợp với thị trường lao động DN, nâng cao chất lượng đào tạo theo vị trí.
“Vừa rồi chúng tôi có quy định quy chế cho 1 số ngành CNTT và du lịch được quy chế đặc biệt là đào tạo gắn với thị trường lao động, mở rộng và khuyến khích các DN tham gia vào quá trình đào tạo, cùng nhau trong chuỗi nâng cao giá trị”, ông Nhạ nói.
Theo ông, trách nhiệm của Bộ là các giải pháp nâng cao chất lượng, từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, quản trị nhà trường. Đặc biệt không chỉ đợi thông tin thị trường lao động từ Bộ cung cấp mà từng trường ĐH phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở đào tạo.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
“Các trường dù tự chủ tuyển sinh nhưng không có nghĩa muốn mở ngành gì thì mở mà phải gắn với thị trường, đảm bảo chất lượng. Chúng tôi tăng về hậu kiểm chứ không nặng về tiền kiểm như trước”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, các trường ĐH tới đây đang chuyển mình phải có trách nhiệm về sản phẩm của mình trước thị trường lao động và trách nhiệm với người học.
“Không để khi tuyển sinh hứa hẹn các điều, học xong lại không trách nhiệm”, Bộ trưởng nói.
''Đổi mới giáo dục không thể nóng vội được''
ĐB Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) đề cập đến đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
“Bộ trưởng từng nói giáo dục của chúng ta đang trong quá độ, nên phải chấp nhận thay đổi để đổi mới. Bộ trưởng cho biết chúng ta phải mất bao lâu để đi hết con đường quá độ này? Sau khá nhiều thay đổi, giờ chúng ta đang đi đến đâu? Trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng dự kiến đạt được bao nhiêu % đổi mới căn bản toàn diện?”, ĐB Vân đặt hàng loạt câu hỏi.
ĐB Hồ Thị Vân, 1 trong 4 đại biểu ít phút đầu phiên chất vấn được mời lên bục phát biểu do lỗi mic ở chỗ ngồi |
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đổi mới GD-ĐT thì chúng ta không nóng vội được vì liên quan con người.
“Trước khi đổi mới phải tuyên truyền, tranh thủ ý kiến, chúng tôi cũng đã làm, mặc dù chưa được tốt nhưng quá độ phải giải quyết, không phải cứ thấy vướng thì làm nhanh, đây là vấn đề nhạy cảm nên phải có lộ trình”, ông Nhạ cho hay.
Ông lấy ví dụ trong việc thi cử đi từ giai đoạn 2 kỳ thi trong 1 năm rất tốn kém chuyển đến 1 kỳ thi 2 mục đích, các cụm địa phương khác nhau và tình hình 2017 đã tương đối ổn định.
“Chúng ta đang đổi mới nên không thể đứng im được”, Bộ trưởng GD-ĐT nói.
Ông cũng chia sẻ như về chương trình SGK phải rõ ràng, chất lượng chuyển biến rõ nét; ĐH phải tự chủ, đổi mới có tính chất đột phá về tư thục, trong đó có hướng chuyển dần các trường ĐH công lập thực hiện nghiêm túc nâng cao chất lượng.
Ông bày tỏ, cùng các bộ ngành địa phương và thầy cô giáo thì có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ không chỉ có chuyển biến mà còn rõ nét.
Gọi 'học phí' thành 'giá dịch vụ giáo dục, đào tạo': Không nên áp dụng máy móc
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên UB Kinh tế, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, tên gọi không phải là vấn đề và không nên áp dụng một cách máy móc.
Bộ trưởng Giáo dục: Tôi day dứt vì thu nhập giáo viên thấp
"Dư luận đề cập vấn đề thu nhập của giáo viên thấp - đó cũng là món nợ mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt..." - Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Vẫn gọi là học phí chứ không bỏ
Bộ trưởng GD-ĐT giải trình làm rõ nội dung liên quan đến giá dịch vụ giáo dục đào đạo và học phí mà dư luận đang xôn xao.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải đề xuất SV sư phạm phải đóng học phí
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, số sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành còn nhiều, gây lãng phí rất lớn.
Đưa thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp đi xuất khẩu lao động
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng đề án đưa lao động có trình độ cao sang làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia,..
Hương Quỳnh