Ở nhà, chúng tôi thường tổ chức trò chơi "báo động", các cháu nhỏ tỏ ra thích thú khi tham gia. Ban đầu, trong các buổi trò chuyện đông đủ gia đình, chúng tôi thường cung cấp cho trẻ các kỹ năng thoát khỏi hỏa hoạn, động đất.

Ngày càng có nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra để lại hậu quả thương tâm. Gần đây nhất là vụ cháy dữ dội dãy quán karaoke trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) đêm 30/12. Trước đó, ngày 29/12, hỏa hoạn xảy ra trên phố Nguyễn Đức Cảnh (Q.Lê Chân, TP. Hải Phòng) khiến sáu người thiệt mạng. Vụ cháy nhà ở trung tâm Sài Gòn ngày 16/9 cũng đã cướp đi tám mạng người. Khi nhìn cảnh tượng hoang tàn và nỗi đau để lại, nhiều người mới giật mình "làm cách nào để thoát khỏi đám cháy?". Thế mới biết rất ít người được trang bị các kỹ năng thoát hiểm để bảo vệ tính mạng và cứu giúp người khác.

Ở các nước tiên tiến, ngoài việc giáo dục tâm sinh lý và các kỹ năng sống, trường học còn chú trọng dạy trẻ các kỹ năng sinh tồn, trong đó có thoát hiểm. Chính vì vậy, khả năng phản ứng trước các tình huống của trẻ em nước ngoài thường nhanh nhạy và bản lĩnh. Còn ở Việt Nam, rất ít trường học quan tâm đến vấn đề này. Nhiều phụ huynh cũng không nhìn xa trông rộng, không lường trước những hiểm họa có thể bất ngờ xảy ra nên họ lơ là việc trang bị cho con cách tự bảo vệ mình khi không có người lớn ở bên.

{keywords}

Ở nhà, chúng tôi thường tổ chức trò chơi "báo động", các cháu nhỏ tỏ ra thích thú khi tham gia. Ban đầu, trong các buổi trò chuyện đông đủ gia đình, chúng tôi thường cung cấp cho trẻ các kỹ năng thoát khỏi hỏa hoạn, động đất. Kiên nhẫn giải thích cũng như hỏi lại các cháu nhiều lần để chắc chắn rằng tất cả đã được chúng lưu trong bộ nhớ. Sau đó, anh tôi thổi một hồi còi báo động, bật chiếc quạt phun sương giả vờ làm khói. Chị dâu hô "có cháy lớn" lập tức lũ trẻ diễn tập xác định phương hướng cửa chính, cửa phụ. Cửa nào có người lớn đứng chặn thì có nghĩa lửa đã cháy vào đến đó, trẻ lập tức tìm lối thoát hiểm khác.

Khi tiếng hô "có khói độc" vang lên, trẻ tìm vải, khăn thấm nước bịt miệng, mũi và bò sát mặt đất tìm hướng thoát thân. Nếu có chăn hay quần áo ở gần, phải nhanh trí nhúng nước cuốn lên người xông qua đám cháy. Sau tiếng hô "lửa bén lên người", trẻ nằm lăn lộn vài vòng dưới đất dập lửa. Người lớn càng cố gắng làm hỗn loạn giống một đám cháy thật đang diễn ra thì càng rèn luyện được sự bình tĩnh và nhanh nhạy của trẻ trong từng tình huống cụ thể.

Trò chơi "báo động" này thỉnh thoảng được tổ chức giống như một cuộc diễn tập. Nếu trẻ xử lý tình huống sai, người lớn phải cảnh báo sự nguy hiểm có thể gặp phải và hướng dẫn cách giải quyết tốt hơn. Để giúp trẻ dễ nhớ cũng như rèn luyện sự phán đoán nhanh nhạy, gia đình tôi còn tổ chức thi "đố có thưởng". Với những câu hỏi như: Khi mở cửa thoát hiểm cần lưu ý điều gì? Nếu bị kẹt lại trong đám cháy thì ẩn nấp ở đâu? Điện thoại cứu hỏa số mấy?...

Không chỉ trang bị cho trẻ các kỹ năng thoát hiểm, người lớn còn phải dạy trẻ cách tránh để xảy ra hỏa hoạn: nghiêm cấm trẻ nghịch lửa, điện và các đồ dễ gây cháy nổ; không bày biện, chất đống đồ đạc ở các cửa thoát hiểm trong nhà. Cần lắm những buổi tọa đàm ý nghĩa giống như Hội quán các bà mẹ TP.HCM từng tổ chức tại các Trường mầm non Trí Đức 1 (Q.Tân Phú), Trường mầm non Thiên Anh (Q.Bình Thạnh)... Tại đây trẻ đã được thực hành các kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy cùng thầy cô và phụ huynh. Các cháu được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết, hy vọng sẽ ngăn chặn và giảm thiểu những hậu quả đau lòng do bà hỏa gây ra.

(Theo Phunuonline)